Thứ 2, 20/05/2024 03:31:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:24, 23/02/2024 GMT+7

Bệ phóng vững chắc

Tấn Hòa
Thứ 6, 23/02/2024 | 04:24:42 2,317 lượt xem
BPO - Những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn với số vốn hàng trăm triệu USD tại nước ta được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các doanh nghiệp FDI đã tổ chức khánh thành, đưa vào vận hành nhiều dự án cho thấy hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam rất hiệu quả. Những kết quả về thu hút FDI của năm 2023 và tháng 1-2024 được coi là bệ phóng vững chắc, tạo ra sự đột phá mới trong thời gian tới.

Năm 2023, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động bởi hậu quả của đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tình trạng bảo hộ sản xuất ở một số nước và xung đột vũ trang, mâu thuẫn chính trị, chiến tranh thương mại... vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều nơi trên thế giới. Những vấn đề này đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, nhiều quốc gia phát triển hàng đầu rơi vào vòng xoáy suy thoái đã tác động trực tiếp đến nước ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng với các chủ trương lớn, quyết sách đúng đắn, linh hoạt và chủ động đã đưa nước ta vượt qua “cơn gió nghịch” để giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả lĩnh vực. 

Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam trở thành điểm sáng khi đạt con số kỷ lục về thu hút vốn FDI với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 62,2%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 7,9 tỷ USD; tổng giá trị vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 1-2024, Việt Nam đã thu hút hơn 2,36 tỷ USD vốn FDI, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh với 190 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2%; các dự án này có tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ; số vốn FDI giải ngân đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, thông qua kênh ngoại giao, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế quốc tế. Qua hoạt động đối ngoại đã truyền tải thông điệp về một Việt Nam an toàn, hấp dẫn và luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này không chỉ khẳng định, Việt Nam có nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng với nhiều ưu thế vượt trội mà còn là điểm tựa vững chắc cho các nhà đầu tư quốc tế yên tâm trong hợp tác và phát triển.

Dự báo năm 2024, Việt Nam không tránh khỏi sự cạnh tranh rất khốc liệt về thu hút vốn FDI từ một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta. Vì vậy, để tạo bệ phóng vững chắc và có nhiều “cửa sáng” đón làn sóng FDI mới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu nhằm gia tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu