Thứ 2, 20/05/2024 03:43:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:26, 20/02/2024 GMT+7

Ý thức và trách nhiệm

Hồ Ngọc
Thứ 3, 20/02/2024 | 05:26:41 2,550 lượt xem
BPO - Ngày 15-2-2024, Bộ Công an tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc nhằm đánh giá công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, trong 7 ngày nghỉ tết, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 214 người, bị thương 504 người. So với cùng thời gian nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương. Riêng xử phạt vi phạm tăng 48.752 trường hợp, trong đó có 29.099 trường hợp bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Điều đáng mừng là trong khoảng thời gian nêu trên, ở Bình Phước không xảy ra vụ TNGT nào, nhưng lại là một trong số những tỉnh có kết quả xử lý vi phạm cao với 1.765 trường hợp. 

Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ TNGT cao trên thế giới. Cụ thể trong năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 14.059 vụ TNGT. Bình quân 1 ngày xảy ra 38 vụ tai nạn, làm 20 người chết, 29 người bị thương. Điều này đồng nghĩa với việc hằng ngày có nhiều gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát và đau thương, những đứa trẻ mất cha, mất mẹ trở thành mồ côi, không nơi nương tựa, xã hội mất đi những công dân ưu tú, tài năng. Chưa hết, TNGT còn để lại hậu quả rất nặng nề cho xã hội, bởi nó không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn dễ dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật vì có tới 70% số vụ, số người tử vong do TNGT là thanh niên, trụ cột trong gia đình.

Nguyên nhân dẫn đến TNGT thì có nhiều, nhưng trên hết và trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân chưa cao. Thậm chí còn không ít người cố tình vi phạm. Bằng chứng là theo quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển ôtô tham gia giao thông là từ 30-40 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Thế nhưng, dịp tết vừa qua vẫn còn tới 29.099 trường hợp vi phạm bị xử lý. Đây là những trường hợp không phải có ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông chưa cao, mà là quá thấp kém.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, việc tăng cường giáo dục về an toàn giao thông cho mọi người trong từng gia đình, cơ quan, đơn vị là rất quan trọng và cần được triển khai thực hiện liên tục, lâu dài. Trước hết, các bậc phụ huynh phải thực sự làm gương cho con em khi tham gia giao thông và luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình tuân thủ nghiêm pháp luật về an toàn giao thông. Tại các cơ sở giáo dục, việc triển khai chương trình giáo dục về an toàn giao thông là hết sức quan trọng, vì qua đó không chỉ giúp học sinh hiểu rõ về quy tắc giao thông mà còn hướng dẫn về các hành vi lái xe an toàn cho thanh thiếu niên. Nhờ đó, học sinh sẽ trang bị được kỹ năng cần thiết để phòng tránh tai nạn khi đi bộ, sử dụng xe đạp hoặc xe máy.

Trong mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ quản lý các cấp phải thực sự là tấm gương sáng cho cấp dưới khi tham gia giao thông. Đã đến lúc việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trở thành tiêu chí đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, lực lượng chức năng phải nghiêm minh trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Và cuối cùng là việc giáo dục đạo đức, văn hóa giao thông cũng cần được sát hạch nghiêm túc bằng các bài thi, đồng thời kết quả phải được đặt ngang hàng với các môn thi thực hành. Một khi mọi người, mọi nhà cũng như từng cơ quan, đơn vị đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông thì chắc chắn TNGT sẽ không còn là nỗi lo của xã hội.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu