Thứ 2, 20/05/2024 04:03:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:05, 06/02/2024 GMT+7

Cảnh giác “bẫy” lừa đảo

Hồ Ngọc
Thứ 3, 06/02/2024 | 05:05:05 3,258 lượt xem
BPO - Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng khẳng định tính ưu việt, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Tuy nhiên, lợi dụng sự ưa chuộng của khách hàng trong việc mua sắm hàng hóa qua mạng internet, các đối tượng xấu đã biến TMĐT trở thành mảnh đất màu mỡ để “bẫy” người tiêu dùng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là vào dịp tết cổ truyền dân tộc với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Chính vì thế, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo về các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hoạt động TMĐT. Khuyến cáo của các cơ quan chức năng nêu rõ, thủ đoạn của đối tượng xấu là lập những website rao bán các mặt hàng chính hãng giảm giá từ 40-60%; nhưng khi người mua nhận được là hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ, không đúng với thỏa thuận…, nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Các đối tượng còn sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện liên lạc trực tiếp với người mua và chia nhỏ số tiền lừa đảo được sang các tài khoản ngân hàng khác nhau. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh nhà xe gọi cho người mua thông báo đã nhận được hàng gửi, đồng thời hẹn thời gian và địa điểm để giao hàng. Tiếp đó, nhóm lừa đảo yêu cầu người mua chuyển tiền để đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Tinh vi hơn, có đối tượng sử dụng tài khoản ảo để đăng bài quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của hàng loạt ngân hàng khác nhau, công khai số điện thoại ghim trên bài đăng để liên hệ làm việc qua các nền tảng Zalo hay Telegram hoặc đăng tải những sản phẩm hoàn thiện để lấy sự uy tín cho bản thân. Thậm chí, có đối tượng còn lập một số website giả mạo hoặc lợi dụng sự tiện lợi và phổ biến của mã QR để thực hiện hành vi lừa đảo...

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, lợi dụng TMĐT, người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia mua bán trực tuyến. Cụ thể, chỉ nên tham gia các sàn giao dịch, website bán hàng uy tín, có đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm quyền lợi người mua và được hỗ trợ khi có sự cố xảy ra.

Và trước khi tiến hành đặt mua bất kỳ mặt hàng trực tuyến nào, người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để giải đáp các thắc mắc. Khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công. Đồng thời, không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, người mua hàng tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai, kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng hay cơ quan nhà nước.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu