Thứ 2, 20/05/2024 00:19:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:33, 05/02/2024 GMT+7

“Được” và “mất”

Thảo Linh
Thứ 2, 05/02/2024 | 04:33:59 3,373 lượt xem
BPO - Chỉ còn 3 ngày làm việc nữa là nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Vào những năm trước xảy ra dịch Covid-19, không khí sắm tết đã nhộn nhịp kể từ ngày ông Táo về trời.

Thế nhưng năm nay, dù đã 25 tháng Chạp, không khí tết, sắm tết vẫn chưa nhộn nhịp, nhất là tại những đại lý rượu, bia. Trước đây, hầu như nhà nào cũng mua sẵn vài thùng bia trong nhà để tiếp khách dịp tết còn năm nay thi thoảng mới có người mua một thùng. Ở các cửa hàng tạp hóa, những két bia chất cao nhưng số người mua rất ít. Nhà hàng, quán nhậu cũng vắng khách, đìu hiu. Không ít người “đổ thừa” rằng, kinh tế tụt dốc là do Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông!

Không thể phủ nhận sự tác động của việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngành bia, rượu cũng như ngành hàng ăn uống. Trên mặt báo, mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt tít bài về sự lao dốc của ngành rượu bia, như: Các “ông lớn” bia rượu đón nhận cái tết buồn; Doanh nghiệp ngành bia lao đao trong “cơn bão kép”; Thị trường bia trong cơn gió ngược... Rồi dân giảm rượu bia, nhà hàng méo mặt vì ế khách; Phố nhậu thời xử phạt nồng độ cồn... Bên cạnh những cái “tít” kêu than, lại có những tít phấn khởi: Sợ đo nồng độ cồn, nhiều người bỏ thói quen uống rượu; Cảnh sát giao thông vào tận bàn nhậu khuyên uống rượu bia không lái xe... Các nhà kinh tế đã phân tích: Từ sau tác động của việc đo nồng độ cồn, cộng với suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, doanh thu toàn ngành giảm 16%. Công ty cổ phần rượu và nước giải khát Hà Nội phản ánh: quý 4/2023, doanh thu của đơn vị không đủ bù đắp chi phí, báo lỗ sau thuế 4,2 tỷ đồng... Bên cạnh những nội dung “than vãn” là những bài viết về “năng lực uống rượu bia” của người Việt. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu bia. Bình quân một người Việt Nam (trên 15 tuổi) uống khoảng 170 lít bia/năm. Tỷ lệ sử dụng rượu bia tăng ở mức báo động trong giới trẻ. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại tăng cao, cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại... Vậy là, vẫn Nghị định số 100, nhưng người ủng hộ, người phản đối; người thấy tốt, người thấy bất cập.

Là một công dân, từng chứng kiến những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản mà nguyên nhân trực tiếp là do người sử dụng phương tiện say rượu bia, người viết ủng hộ Nghị định 100. Xét cả ở góc độ kinh tế và góc độ xã hội, sự thiệt hại của ngành rượu bia và ngành hàng ăn uống sẽ được bù đắp bằng một “giá hời” hơn rất nhiều. Đó là một lực lượng rất lớn lao động chủ lực của xã hội - là nam giới sẽ không tiêu tốn thời gian, tiền bạc, sức khỏe, thậm chí tính mạng của bản thân và của người khác trong những quán nhậu, những trận nhậu quên trời đất mà hậu quả của nó để lại là rất nghiêm trọng. Đó là sự êm ấm của hàng triệu gia đình khi cha, ông, chồng, con thay vì hủy hoại sức khỏe trong bia, rượu sẽ có thời gian làm việc và chăm sóc bản thân, gia đình. Còn một cái “được” mà Nghị định số 100 mang lại, là góp phần tích cực, hiệu quả vào sự cải thiện giống nòi, khi những em bé được hoài thai trong tình trạng sức khỏe tốt nhất của cả cha và mẹ...

Không thể có một chính sách mang lại quyền lợi cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là chính sách, quyết định, chế tài ấy sẽ mang lại lợi ích cho nhóm người nào, cho số đông hay số ít!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu