Thứ 2, 20/05/2024 03:31:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:57, 30/01/2024 GMT+7

Trách nhiệm không của riêng ai

Hồ Ngọc
Thứ 3, 30/01/2024 | 05:57:58 3,702 lượt xem
BPO - Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đang có những diễn biến phức tạp. Cụ thể, bạo lực về vật chất, bạo lực về thể xác, tinh thần, bạo lực giữa học sinh với học sinh, bạo lực từ phía học sinh với giáo viên và ngược lại… Cùng với đó, hình thức bạo lực ngày càng đa dạng và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng.

Có thể nói, bạo lực học đường đang là vấn đề nóng, trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường, nỗi trăn trở của toàn xã hội, tạo ra dư luận, ảnh hưởng xấu và những bức xúc đối với ngành giáo dục. Thực trạng nêu trên đã tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân. Nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục đã đề ra những biện pháp nhằm can thiệp, ngăn chặn nhưng tình trạng bạo lực vẫn còn xảy ra trong và ngoài nhà trường dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Nguy hiểm hơn, đã xảy ra những vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.

Mục đích của yêu cầu nêu trên là nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả nội dung này thì cả gia đình, nhà trường và xã hội cần phải có cái nhìn công bằng, toàn diện về nguyên nhân sâu xa của hiện tượng bạo lực trong nhà trường như hiện nay. Đồng thời, cũng cần phân biệt rõ cấp độ và phạm vi của các hành vi, đó là: bạo lực học đường, xâm hại học đường, bắt nạt học đường, bạo lực ngôn ngữ, bạo lực trên môi trường mạng…

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các em học sinh lại có suy nghĩ và hành vi như vậy? Trong khi trước cổng trường và trong mỗi lớp học đều có những khẩu hiệu, như: Tiên học lễ - hậu học văn, Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan, Trường là nhà - Thầy cô là cha mẹ - Bạn bè là anh em… Xét về trách nhiệm, có 3 nhân tố tác động trực tiếp đến tâm sinh lý, tư duy và hành động của các em, đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Như vậy, trước nạn bạo lực học đường, không ai là người vô can. Những hành vi hung hãn và côn đồ của một bộ phận học sinh hiện nay không phải là ngẫu nhiên. Đó là hệ quả của cả một quá trình sống, hành vi ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội thiếu chuẩn mực. Do đó, việc phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực học đường là trách nhiệm không của riêng ai. Và mấu chốt phải có sự tin cậy, hợp tác chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và các cơ quan, tổ chức có liên quan để hướng tới mục đích tối thượng là vì tương lai con em chúng ta.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu