Thứ 2, 20/05/2024 03:20:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:57, 23/01/2024 GMT+7

Phù hợp và công bằng

Hồ Ngọc
Thứ 3, 23/01/2024 | 04:57:48 2,428 lượt xem
BPO - Ngày 18-1-2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Một trong những điểm mới của đạo luật này tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đó là sẽ có quy định về việc áp dụng mức thuế cao hơn đối với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang.

Trước hết, nội dung này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Cụ thể, nghị quyết nêu rõ: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được thể chế hóa thành các điều luật cụ thể. Với Luật Đất đai mới, nội dung nêu trên đã được quy định tại Điều 153 về các khoản thu ngân sách từ đất đai bao gồm: Tiền sử dụng đất tăng thêm, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng; thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;… Đồng thời, Quốc hội cũng giao Chính phủ quy định chi tiết thực hiện nội dung này.

Như vậy, ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định nêu trên. Và với việc quy định áp dụng mức thuế cao hơn đối với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang sẽ khắc phục được tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất. Với chính sách này, hành vi đầu cơ, cố tình kiếm lời nhờ vào việc mua đi, bán lại đất đai, nhà ở sẽ được ngăn chặn và khi đó, không chỉ mang lại nguồn thu cho Nhà nước mà quan trọng hơn là điều tiết hành vi sử dụng đất. Cùng với đó sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể thực hiện được giấc mộng an cư.

Đặc biệt, việc sử dụng chính sách thuế để điều tiết vào những người chiếm dụng đất đai nhiều hơn, hay giá trị đất đai tăng lên thì mức nộp thuế nhiều hơn. Điều này buộc mỗi người phải tính toán xem liệu mua nhà đất để đấy, có đủ tiền để trả thuế hằng năm hay không và như vậy, người dân, nhà đầu cơ sẽ phải điều tiết hành vi của mình. Nói cách khác, chính sách thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất, nhất là đối với những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Hơn nữa, việc áp dụng đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách chính sách thuế. Như vậy, với chính sách này sẽ làm giá đất đai trên thị trường không còn những cơn “nóng, lạnh” như hiện nay.

Có thể khẳng định rằng, việc đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất là cần thiết và phù hợp, nhưng vấn đề đặt ra là làm gì để chính sách này được áp dụng công bằng, minh bạch. Cụ thể, đối với những người tuy có hai, thậm chí là 3 thửa đất, nhưng nếu chia bình quân đầu người cho các thành viên trong gia đình thì vẫn chưa đủ so với hạn mức đất ở thì giải quyết như thế nào? Hoặc với trường hợp người có căn nhà thứ nhất nhưng nhỏ và có mua thêm mảnh đất khác. Song, vì chưa có tiền xây nhà nên người chủ đành để đất trống thì có bị đánh thuế tài sản thứ hai không?

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu