Thứ 2, 20/05/2024 02:34:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:39, 18/01/2024 GMT+7

Thiết thực và hiệu quả

Lâm Phương
Thứ 5, 18/01/2024 | 04:39:28 2,383 lượt xem
BPO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị số 422/CT-BNN-LN về phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

Cũng theo bộ này, năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt, sạt lở đất... xảy ra bất thường gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các địa phương trong cả nước đã trồng được 250.000 ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì 42,02%… Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta thu được từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng với số tiền gần 1.200 tỷ đồng, đóng góp nguồn tài chính quan trọng vào việc duy trì sự phát triển bền vững của rừng.

Những kết quả nêu trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời khẳng định, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã mang lại những kết quả vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Đó là, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái… Thành quả đạt được còn là tiền đề quan trọng để các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và du lịch sinh thái, nâng cao giá trị đa dụng của rừng. 

Thực tế cũng cho thấy, trồng và phát triển cây xanh bảo vệ môi trường còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong những năm qua, việc trồng cây gây rừng đã trở thành quốc sách quan trọng hàng đầu của đất nước. Do đó, việc phát động “Tết trồng cây” không chỉ để bảo vệ môi trường, ứng phó ô nhiễm, biến đổi khí hậu mà còn góp phần nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ cây xanh bằng việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng thật tốt. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép cũng như phòng, chống cháy rừng hiệu quả. 

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và để “Tết trồng cây” thực sự có ý nghĩa đối với toàn xã hội và là việc làm thiết thực vì mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, phải đặc biệt ưu tiên công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ và phát triển rừng, bởi đây là giải pháp quan trọng trong việc vận động nhân dân cả nước hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực. Chỉ có như vậy mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu