Thứ 2, 20/05/2024 02:54:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:20, 15/01/2024 GMT+7

Thưởng tết - để vẹn cả đôi đường!

Thảo Linh
Thứ 2, 15/01/2024 | 04:20:23 2,370 lượt xem
BPO - Những ngày này, câu chuyện thưởng tết luôn được bàn luận rôm rả ở bất kỳ đâu, nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh. Đối với người lao động, thưởng tết không chỉ là giá trị vật chất mà còn chứa đựng những yếu tố tinh thần, là nguồn động lực để mỗi người phấn đấu với mong muốn có được tiền thưởng nhiều hơn vào dịp tết. Và rồi có biết bao chuyện buồn, vui xung quanh việc thưởng tết hằng năm.

Dù đã 3 năm trôi qua nhưng vẫn còn đó dư âm của khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thực tế là nửa đầu năm 2023, kinh tế trong nước vẫn rất khó khăn. Không ít doanh nghiệp kiệt quệ, phá sản, kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc. Những tháng cuối năm, tình hình “sáng” hơn khi một số doanh nghiệp phục hồi, nhưng vẫn trong tình trạng “ngóng” từng đơn hàng nên đành cắt giảm giờ làm, sản xuất - kinh doanh cầm chừng để giữ chân công nhân nên tiền lương giảm so với trước. Do sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp phải nợ lương, chuyện thưởng tết năm 2024 cũng chẳng có gì vui, cả với người lao động và người sử dụng lao động.

Trong bối cảnh ấy, câu chuyện thưởng tết Nguyên đán 2024 lên tới 5,68 tỷ đồng - mức thưởng tết cao nhất từ trước tới nay tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở tỉnh Long An thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Rồi việc Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan) chi khoảng 1.500 tỷ đồng thưởng tết cho hơn 94.000 lao động làm việc tại 8 nhà máy, với mức bình quân 16 triệu đồng/người cũng là điều hàng triệu người lao động mơ ước được đầu quân cho tập đoàn này. Tại Bình Phước, mức thưởng tết cao nhất là 12 triệu đồng/người và mức phổ biến nhất tại các doanh nghiệp là 1 tháng lương. Như vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn, hầu hết doanh nghiệp còn duy trì được hoạt động cũng đã cố xoay xở để người lao động có được phần thưởng tết. 

Với người lao động, dù doanh nghiệp nơi họ đang làm việc khó khăn bao nhiêu thì mỗi người vẫn mong ngóng tiền thưởng tết. Với doanh nghiệp, tết là dịp tri ân, cũng là dịp để bày tỏ thiện chí hay tiềm lực của doanh nghiệp, để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài. Thế nên, trong khi có công ty thưởng tết bằng cổ phiếu, bằng chuyến du lịch hoặc chế độ thăng tiến để động viên người lao động thì lại có những cách thưởng tết “cười ra nước mắt”. Có doanh nghiệp vì quá khó khăn nên sản xuất - kinh doanh gì thưởng nấy, dẫn đến việc có nơi người lao động nhận thưởng tết bằng nước ngọt, nước mắm, bột giặt, thậm chí bằng… nhang! Bên cạnh đó, vẫn không ít doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giật, cứ gần tết là bày ra các chiêu trò để người lao động bất mãn, tự nghỉ việc nhằm tránh việc thưởng tết. 

Khi tìm việc làm, người lao động thường chỉ thỏa thuận lương tháng với chủ doanh nghiệp chứ không thỏa thuận mức thưởng tết, vì đó là văn hóa ứng xử, chủ doanh nghiệp cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Nhưng dù được thưởng tết hay không, thưởng nhiều hay ít thì nhu cầu chi tiêu trong dịp tết, gia đình nào - dù giàu hay nghèo đều có. Vì vậy, việc luật hóa tiền thưởng đang là vấn đề gây tranh cãi và thường được nhắc tới vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh những ý kiến đồng tình việc luật hóa tiền thưởng vì yếu tố nhân văn và cũng là cách để kích thích sự cống hiến của người lao động, lại có ý kiến cho rằng, việc đưa thưởng tết vào luật sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. 

Vậy thì, trong lúc chờ cơ quan chức năng quyết định, cách giải quyết tốt nhất là người lao động và người sử dụng lao động biết chia sẻ khó khăn cùng nhau. Doanh nghiệp sẽ giữ chân được người lao động khi họ nhận được không chỉ đồng tiền thưởng tết mà gói ghém trong đó cả sự hành xử văn hóa, văn minh nên có niềm tin mà ở lại. Vậy là vẹn cả đôi đường!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu