Thứ 2, 20/05/2024 01:32:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:04, 12/01/2024 GMT+7

Kỳ vọng sự bứt phá

Tấn Hòa
Thứ 6, 12/01/2024 | 04:04:00 2,524 lượt xem
BPO - Tại hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo rất cụ thể đối với ngành du lịch, kỳ vọng về sự bứt phá mới cho du lịch Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp nhưng hoạt động du lịch cả nước vẫn phát triển ngoạn mục. Cả nước đón hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% kế hoạch đề ra; khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 678 ngàn tỷ đồng, vượt 4,3% kế hoạch năm 2023. Trong khi đó, năm 2022, Việt Nam chỉ đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu của ngành chỉ đạt 495 ngàn tỷ đồng. Để có được những thành quả nêu trên, trong năm 2023 Chính phủ đã tổ chức các hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, đặc biệt với Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã kịp thời tạo ra bước tiến vượt bậc cho du lịch Việt Nam thời gian qua. Du lịch Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và ngày càng khẳng định được hình ảnh, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, du lịch nước ta hiện vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia, bản sắc của từng vùng, địa phương. Hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo... mang tầm quốc tế còn thiếu nên chưa tạo sức cạnh tranh. Các dịch vụ lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo được thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Hệ thống pháp luật về thu hút đầu tư, phát triển du lịch ở nước ta vẫn chưa có nhiều đột phá; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đổi mới... và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để du lịch tiếp tục có những bứt phá mới, ngoài thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đơn vị quản lý nhà nước cần kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Nhà quản lý phải lắng nghe để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia và đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để tạo ra những đột phá mới cho du lịch Việt Nam cất cánh.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu