Thứ 2, 20/05/2024 02:54:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:30, 10/01/2024 GMT+7

Danh tiếng, lưới trời và bia miệng

Trần Phương
Thứ 4, 10/01/2024 | 06:30:10 2,828 lượt xem
BPO - Những ngày qua, phiên tòa xét xử đại án Việt Á nhận được sự quan tâm của cả nước. Một phiên tòa có nhiều cán bộ cấp cao phải đứng trước vành móng ngựa, số tiền sai phạm, hối lộ, nhận hối lộ, tính chất suy đồi đều vượt xa sự tưởng tượng… khiến cả xã hội bức xúc quan tâm là điều dễ hiểu. Thế nhưng, trong số 38 người bị xét xử lần này, có một trường hợp đã để lại cảm xúc rất đặc biệt. Đó là cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh.

Bị cáo Nguyễn Thành Danh, ngày 8-1-2024 đã bị đề nghị mức án 10 tháng 4 ngày về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (bằng thời hạn tạm giam). Bị cáo Nguyễn Thành Danh đã được cơ quan điều tra nhận định rằng, nhiều lần ông từ chối, không nhận một đồng nào khi Việt Á đưa cho hàng tỷ đồng “hoa hồng”. Và tại phiên tòa, ông cũng không hề chối tội hay đổ lỗi cho cấp trên, cấp dưới mà thẳng thắn thừa nhận: “Bị cáo ý thức được hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu”.

Có lẽ, trái ngược với 37 bị cáo còn lại bị xét xử trong phiên tòa, dù cũng phải đứng trước vành móng ngựa, cũng bị đề nghị những án phạt nghiêm khắc, nhưng cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã nhận được sự cảm thông, đặc biệt là sự tôn trọng của cộng đồng.

Ông nhận được sự tôn trọng là bởi ông vi phạm, nhưng hoàn toàn vì cái chung, không vì lợi ích cá nhân. Đặc biệt là ông đã đứng vững trước sự cám dỗ của vật chất, vượt qua sự tầm thường của cuộc sống. Ông đã không như nhiều người có chức quyền tham lam, khi bị vạch mặt thì đổ lỗi, biện minh, chối tội, chạy tội.

Ông nhận được sự cảm thông bởi ai cũng biết thời điểm đó sinh phẩm y tế “quý như vàng”, địa phương nào cũng muốn có để phòng, chống dịch… Cảm thông với vi phạm quy định đấu thầu để nhanh chóng có sinh phẩm, kit test Covid-19 trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” và Bình Dương là trung tâm công nghiệp, là đầu mối giao thương, có nguy cơ rất lớn, thực tế sau đó đã trở thành một trong những tâm dịch bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất cả nước. Quy định bắt buộc phải thực hiện, nhưng trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” liên quan đến sinh mạng của nhiều người khi đó, tuân thủ đầy đủ quy trình, mất nhiều thời gian hơn, có thể đại dịch sẽ tàn phá nặng nề hơn.

Bị cáo Nguyễn Thành Danh, như cái tên của mình, ông đã có danh tiếng và dễ nhận thấy ông còn là người trọng danh dự. Tục ngữ có câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày trong tù dài bằng ngàn năm ở bên ngoài). Với một người trọng danh dự, 10 tháng 4 ngày tạm giam đó, hẳn là những ngày “tại tù”, là một khoảng thời gian rất rất dài để ông nghiền ngẫm nhiều bài học quý giá, ý nghĩa. Nhưng hơn thế, trong suy nghĩ của nhiều người, có lẽ ông đã “tại ngoại” trong 10 tháng 4 ngày “tại tù” ấy.

Đó là lời thức tỉnh không chỉ với 37 người cùng đứng trước vành móng ngựa với cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh mà còn với tất cả những ai từng đứng trước vành móng ngựa và cả với những ai có thể phải đứng trước vành móng ngựa, rằng hãy đối diện với lương tri của chính mình, xem bản thân có xứng đáng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật hay không, có xứng đáng được sống trong bầu không khí tự do hay không. Bởi có câu “Lưới trời tuy thưa mà khó lọt” và cho dù hôm nay có lọt được lưới trời, thì bản án trong tâm trí của người đời mới đáng sợ, khi bia miệng ngàn năm vẫn còn trơ trơ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu