Thứ 2, 20/05/2024 01:23:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:17, 09/01/2024 GMT+7

Ðề cao quyền của người dạy và học

Hồ Ngọc
Thứ 3, 09/01/2024 | 04:17:19 3,656 lượt xem
BPO - Ngày 28-12-2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, từ năm học 2024-2025 trở đi, quyền chọn SGK được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của UBND tỉnh như các năm học trước. Đây là quy định hoàn toàn mới vì đề cao quyền của người dạy và học.

Thông tư quy định, mỗi cơ sở giáo dục được thành lập một hội đồng lựa chọn SGK, gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn; đại diện giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng có nhiệm vụ: Tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá SGK của giáo viên; danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn; tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Về vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng, việc giao quyền lựa chọn SGK về các trường là đúng và nên thực hiện từ sớm, bởi như vậy, các trường sẽ lựa chọn được SGK phù hợp điều kiện cũng như tình hình thực tế của nhà trường. Điều này không chỉ tạo thuận lợi hơn cho các trường mà trách nhiệm của các cơ sở giáo dục cũng cao hơn. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ lựa chọn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự lựa chọn của mình vì khi chọn SGK, các trường sẽ xem xét bộ sách phù hợp với chương trình và điều kiện thực tế của nhà trường. Do đó, các thành viên trong hội đồng phải nghiên cứu, đánh giá và nhận xét kỹ về các bộ sách, sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. Trên cơ sở này, nhà trường sẽ thảo luận, thẩm định và lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về cơ quan quản lý cấp trên.

Như vậy, với chủ trương có nhiều bộ SGK thì việc trao quyền lựa chọn sách cho cơ sở giáo dục là điều tất yếu. Qua đó, các cơ sở giáo dục có cơ hội được lựa chọn SGK phù hợp đặc điểm người học và nhu cầu đặc biệt của nhà trường khi có sự tham gia của giáo viên - những người trực tiếp đứng lớp và hiểu rõ thực tế người học. Đồng thời, sự xuất hiện của đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trong hội đồng lựa chọn SGK còn thể hiện sự minh bạch, trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của người học. Tuy nhiên, khi được giao quyền lựa chọn SGK thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và hội đồng phải được thể hiện công khai, minh bạch. Vấn đề nữa đặt ra ở đây là các thành viên trong hội đồng phải xem xét rất kỹ nhiều yếu tố liên quan. 

Cụ thể, nội dung sách có phù hợp điều kiện dạy học và năng lực của giáo viên ở trường không? Bởi, mỗi trường có điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất, năng lực giáo viên cũng như đội ngũ quản lý. Hơn nữa, mỗi vùng miền, địa phương đều có những yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau trong lựa chọn sách. Do đó, công tác tổ chức lựa chọn sách đảm bảo tuân thủ các quy định, không để yếu tố lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm ảnh hưởng kết quả lựa chọn sách. Và quan trọng hơn là không có bộ sách nào hoàn hảo 100%. Vì vậy, dù đã chọn một bộ sách, quá trình dạy học, thầy cô giáo vẫn nên tham khảo thêm ở những bộ sách khác vào trong bài giảng của mình.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu