Thứ 2, 20/05/2024 02:34:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:34, 08/01/2024 GMT+7

Họp ít mà việc vẫn chạy

Minh Luận
Thứ 2, 08/01/2024 | 04:34:26 2,390 lượt xem
BPO - Đó là một trong những cụm từ được nhiều người truyền nhau, lan tỏa trên mạng xã hội những ngày gần đây. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Nhiều chia sẻ, bình luận tỏ ra tâm đắc với vấn đề này.

“Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân, với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy””. Đó là đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương diễn ra ngày 27-11-2023. Đề nghị của Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng được đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân đồng thuận, lan truyền mạnh mẽ dưới nhiều hình thức. 

Thực tế, thời gian qua, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp than vãn việc hội họp chiếm khá nhiều thời gian, nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Đành rằng việc triệu tập họp là thể hiện tính dân chủ, công khai, tôn trọng ý kiến tập thể; lấy ý kiến, thông tin đa chiều nhằm đi đến những quyết định đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ và toàn diện nhất. Tuy nhiên, để mỗi cuộc họp thực sự hiệu quả, phát huy được tối đa trí tuệ tập thể, thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Quan trọng từ khâu chọn thời gian, địa điểm, nội dung đến thành phần dự họp. Vào thời điểm đó, ai cần đi họp, ai ở nhà để giải quyết, đảm bảo công việc vẫn trôi chảy; tổ chức họp ở đâu để hạn chế tối đa thời gian di chuyển cho các thành phần, đơn vị dự họp. Đặc biệt, việc tổ chức họp có thể gắn với đi thực tế để nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề đang họp bàn… Việc chọn nội dung nào là cấp thiết, cần họp bàn ngay; triệu tập những ai, đơn vị nào cũng vô cùng quan trọng, tránh tình trạng đi họp cả buổi nhưng không có ý kiến nào. Nhất là tình trạng đi họp thay, đi họp không đúng thành phần triệu tập, gây lãng phí thời gian của nhiều người. Bởi triệu tập cuộc họp là để trên cơ sở các ý kiến, góp ý liên quan, người chủ trì đi đến thống nhất một vấn đề, quyết sách nào đó. Nếu thành phần triệu tập không đúng, không đủ thẩm quyền để đưa ra ý kiến mang tính quyết định thì cuộc họp cũng không đi đến kết quả cuối cùng, gây lãng phí thời gian.   

Điều này hẳn nhiều người đã thấy và thực tế vẫn đang diễn ra ở một vài nơi, vài đơn vị, địa phương. Đặc biệt, càng về cuối năm, công việc càng nhiều thì nhiều cuộc họp cũng được tổ chức. Họp nhiều đến mức không ít cán bộ cho rằng không có thời gian để giải quyết công việc thuộc lĩnh vực phụ trách, dẫn đến phải làm việc cả ban đêm, lúc chiều tối hay dịp nghỉ lễ.

Ngày 25-12-2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có yêu cầu giảm hao phí trong sử dụng lao động, thời gian lao động, thực hiện nghiêm quy định về tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách… bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.

Chỉ thị của Bộ Chính trị nhanh chóng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, đánh giá cao. Bởi điều này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định các vấn đề liên quan trên cơ sở triệu tập họp hay không họp. Đó cũng là thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt, 2024 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, các đơn vị có hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra hay không phụ thuộc rất lớn vào năm cuối bứt tốc để về đích đúng kế hoạch. Chỉ thị ban hành như một lời thúc giục, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm trong các cơ quan, đơn vị.

“Không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy” là mệnh lệnh, là trách nhiệm với dân, với nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả nhất.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu