Thứ 2, 20/05/2024 04:30:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:06, 28/12/2023 GMT+7

Vươn tầm sản phẩm OCOP

Lâm Phương
Thứ 5, 28/12/2023 | 04:06:40 2,590 lượt xem
BPO - Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 12-2023, cả nước có 11.054 sản phẩm OCOP. Trong đó có 68,9% sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao. Đặc biệt, có 42 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Tại Bình Phước, những năm qua, nhờ chủ động đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến và coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm OCOP trên địa bàn, đến nay, ngoài hàng trăm sản phẩm OCOP 3, 4 sao, Bình Phước đã có các sản phẩm OCOP 5 sao là “Hạt điều rang muối”, “Hạt điều nguyên vị” và “Hạt điều nhân trắng” của Công ty cổ phần Hà Mỵ ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú.

Hiện nay, số lượng sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh với chất lượng, mẫu mã được nâng cao và cải thiện rất nhiều. Tất cả sản phẩm OCOP đều đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Một số sản phẩm OCOP 5 sao đạt tiêu chuẩn thị trường thế giới. Sản phẩm OCOP không chỉ được tiêu thụ rộng khắp trong cả nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Các điểm bán sản phẩm OCOP cũng phát triển rất mạnh. Ngoài ra, việc xúc tiến giới thiệu sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử cũng được triển khai từ sớm. Riêng ngành nông nghiệp đã phối hợp các hệ thống thương mại điện tử, như Voso, Posmart, Lazada, Shopee… để xúc tiến các sản phẩm OCOP trên nền tảng online.

Một điểm nhấn nữa là, hiện có rất nhiều điểm bán sản phẩm OCOP đặt tại các điểm dừng chân, khu du lịch, thậm chí đưa du khách vào tận nơi sản xuất ra sản phẩm. Qua đó, không chỉ giúp du khách được thưởng thức các sản phẩm đặc trưng tại vườn mà còn mang đến sự trải nghiệm thú vị về quy trình sản xuất chứ không đơn thuần là mua làm quà tặng. 

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn, mặc dù sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, đó là việc vận chuyển sản phẩm OCOP tươi sống, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng ở xa nơi sản xuất rất khó khăn. Nhiều sản phẩm do tập quán, quy mô sản xuất còn hạn chế nên khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao lại không đủ sản phẩm để cung cấp. Điểm yếu nữa là khâu đóng gói, nhận diện thương hiệu chưa hấp dẫn, tạo tâm lý e ngại cho người mua do phần lớn nông sản, sản phẩm OCOP xuất phát từ khu vực nông thôn, người nông dân hạn chế về kỹ năng thiết kế sản phẩm.

Để sản phẩm OCOP vươn tầm và phát triển bền vững thì giải pháp ưu tiên hàng đầu vẫn là doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng phải khắc phục triệt để những mặt còn tồn tại. Chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế, nhất là những thị trường khó tính trên thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và triển khai các chương trình về thương hiệu… Cấp có thẩm quyền và ngành chức năng đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các hộ sản xuất chứng thực sản phẩm chất lượng, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tránh hàng giả, hàng nhái… Nhất là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên cơ sở đa kênh chứ không chỉ tập trung vào một kênh cụ thể; tăng nhận diện sản phẩm OCOP bằng những kênh riêng thông qua các nền tảng mạng xã hội để kể những câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, giúp tạo giá trị sản phẩm thông qua kết nối về mặt cảm xúc giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng…

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu