Thứ 2, 20/05/2024 02:04:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 21/12/2023 GMT+7

Xây dựng đội ngũ cán bộ vì dân

Lâm Phương
Thứ 5, 21/12/2023 | 04:45:01 1,599 lượt xem
BPO - Theo báo cáo của ngành nội vụ, trong năm 2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) bị kỷ luật là 17.808 người. Kết quả này cho thấy, với phương châm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, các cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương trên cả nước đã thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xử lý kỷ luật CBCCVC khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và còn nhiều kẽ hở trong thực thi chính sách dẫn đến một bộ phận không nhỏ CBCCVC suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Biểu hiện rõ nhất là lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Không ít trường hợp sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội… Một số đối tượng thì lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Thậm chí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

CBCCVC là lực lượng nòng cốt để xây dựng bộ máy nhà nước; trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạch định và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, cung ứng dịch vụ công cơ bản… và đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhận thức tầm quan trọng của đội ngũ CBCCVC, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh lĩnh vực này. Cụ thể, Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật CBCCVC, góp phần từng bước xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, ngày 20-9-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 về xử lý kỷ luật CBCCVC. Những văn bản pháp lý nêu trên được coi là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ và chấn chỉnh đội ngũ công chức, viên chức, góp phần xây dựng lực lượng CBCCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, để xây dựng được đội ngũ CBCCVC vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bên cạnh thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ thì ưu tiên hàng đầu là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn quan tâm xây dựng đội ngũ CBCCVC có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung… Đồng thời mỗi CBCCVC phải tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; biết giữ gìn bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống… Chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật, cũng như nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu