Thứ 2, 20/05/2024 03:31:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:21, 19/12/2023 GMT+7

Vì sự hài lòng của người dân

Hồ Ngọc
Thứ 3, 19/12/2023 | 04:21:05 1,680 lượt xem

BPO - Ngày 11-12-2023, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-BNV về phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2023-2026. Ngay sau khi được công bố, quyết định này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận và cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây thực sự là cú huých mạnh nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Theo Quyết định 1001, việc đo lường sự hài lòng của người dân được thực hiện theo 3 nội dung. Đó là, nhận định, đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và nhu cầu, mong đợi của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Bộ Nội vụ cũng đề ra 39 tiêu chí cụ thể, gồm: Mức độ quan tâm theo dõi của người dân đối với các chính sách công; việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công; chất lượng cung ứng dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chất lượng tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân...

Như vậy, việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, chính quyền các cấp sẽ nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức và doanh nghiệp để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức. 

Tuy nhiên, dư luận quan tâm hơn là việc các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đẩy mạnh việc công khai, minh bạch TTHC và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục trên cổng thông tin điện tử và cổng dịch vụ công. Đồng thời triển khai hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; phối hợp với hệ thống bưu điện thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích... Trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC, bởi việc giải quyết TTHC thông qua môi trường điện tử đồng nghĩa với việc hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa đội ngũ công chức với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, ngăn ngừa được tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu của đội ngũ công chức trong giải quyết TTHC và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

 Song song đó, các cấp, ngành cần tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Bởi chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu giúp các cấp chính quyền nâng cao năng lực quản trị địa phương và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Trong quá trình này, cần tích hợp, vận hành, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tại Bình Phước, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần tăng cường hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh, đẩy mạnh việc tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Và tích cực triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh vì không thể có chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu