Thứ 2, 20/05/2024 02:21:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 18/12/2023 GMT+7

Phải bảo đảm quyền lợi người dân!

Thảo Linh
Thứ 2, 18/12/2023 | 04:45:54 1,616 lượt xem
BPO - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, tổ chức chiều 6-12 vừa qua, những bất cập trong việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), chuyển tuyến bệnh nhân được các đại biểu đặt ra và tranh luận sôi nổi.

Sự bất cập trong việc chuyển tuyến bệnh nhân diễn ra ở hầu hết tuyến cơ sở. Một người bạn của gia đình tôi có người thân làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phải nhiều lần làm “cầu nối” để bạn bè, người quen của mình được chuyển viện. Bản thân người viết từng có thời gian đưa người thân từ TP. Đồng Xoài về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) truyền hóa chất sau phẫu thuật ung thư. Dù biết rõ bệnh nhân phải trải qua 10 lần truyền hóa chất nhưng lần nào bệnh viện cũng yêu cầu cung cấp một bộ giấy chuyển viện, căn cước công dân và thẻ BHYT (photo). Có lần vội vàng, quên mang theo giấy tờ, đành phải chờ người nhà gửi xe đò xuống mới đưa được bệnh nhân vào làm thủ tục truyền hóa chất! Không chỉ bệnh nhân mà các cơ quan giám sát của hệ thống quản lý nhà nước, HĐND các cấp và Quốc hội đều thấy rõ, thủ tục chuyển viện hiện khá phiền toái, mất thời gian và gây mệt mỏi cho người bệnh.

Tuy nhiên, ở góc độ của người làm chuyên môn ngành y, thật có lý khi cho rằng, nếu không “giữ” bệnh nhân thì có nhiều trường hợp bệnh thông thường, trong khả năng chữa trị của tuyến dưới nhưng bệnh nhân vẫn muốn lên tuyến trên điều trị. Điều này không chỉ gây xáo trộn, mất cân bằng trong khám, chữa bệnh BHYT, gây tốn kém cho bệnh nhân mà còn tạo áp lực cho tuyến trên.

Giải trình với Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính. Thủ tục chuyển tuyến còn gây phiền hà cho người bệnh. Trong nhiều trường hợp, việc “giữ” bệnh nhân còn gây bức xúc. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng để tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước hiện đạt 92% dân số (gần 91 triệu người tham gia) và số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng 150,5 triệu lượt so với năm 2022 là kết quả tích cực của việc tổ chức đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến. Trong số đó, có rất nhiều trường hợp người nghèo, gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số… với chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng/người/đợt điều trị, đã được cứu sống nhờ có BHYT.

Cần khẳng định, BHYT là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo, rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình vận hành hoạt động khám, chữa bệnh BHYT vẫn còn những bất cập, nhất là từ sau đại dịch Covid-19, bệnh nhân có BHYT nhưng do khan hiếm thuốc nên nhiều trường hợp phải ra ngoài mua, kể cả những loại thuốc thông thường. Một khi quyền lợi BHYT không được bảo đảm thì việc nhiều người bệnh muốn “lên Trung ương” để được điều trị tốt hơn cũng là dễ hiểu! Việc giữ ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh như lãnh đạo Bộ Y tế giải trình là hoàn toàn hợp lý. Nhưng để đạt được điều đó, ngành y tế cần tham mưu giải pháp hữu hiệu nhất, để không chỉ giữ ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh mà còn bảo đảm quyền lợi người bệnh!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu