Thứ 2, 20/05/2024 02:22:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:50, 07/12/2023 GMT+7

Không để lãng phí nguồn lực đầu tư

Lâm Phương
Thứ 5, 07/12/2023 | 05:50:37 1,462 lượt xem

BPO - Tại hội nghị khởi động hợp phần I - Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” do Bộ Y tế phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức mới đây, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” cho biết, chương trình có quy mô nguồn vốn lớn (110,6 triệu USD), được triển khai trên địa bàn 16 tỉnh, gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng và Cà Mau.

Thông tin nêu trên không chỉ là tín hiệu mừng đối với ngành y tế Bình Phước mà còn mở ra cơ hội giúp người dân đang sinh sống và làm việc ở các vùng khó khăn trong tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của ADB cùng nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cơ sở cho nhân dân ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế cho thấy, hiện nay hoạt động của tuyến y tế cơ sở trên cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng đang gặp không ít khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nhân lực y tế cơ sở không bảo đảm, trong khi việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Không ít địa phương nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu ở y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu trầm trọng, trong khi số bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp mà phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu liên thông. Cũng do điều kiện làm việc không bảo đảm dẫn đến cơ hội, điều kiện cho nhân viên y tế cơ sở trau dồi kinh nghiệm và học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rất hạn chế. Vì vậy, đã có thời điểm tình trạng nhân viên y tế ở cơ sở xin nghỉ việc, thôi việc gia tăng mạnh.

Ngoài yếu tố con người thì cơ sở vật chất, trang thiết bị trang cấp cho y tế cơ sở vừa thiếu vừa chưa phù hợp cũng là những trở ngại không nhỏ, bởi y tế cấp xã hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn thu được phân bổ từ ngân sách nhà nước, còn nguồn thu dịch vụ hầu như không có nên rất khó khăn trong hoạt động; trong khi chính sách đãi ngộ chưa đủ sức thu hút để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc tại tuyến cơ sở… Chính những hạn chế về cơ sở vật chất và chất lượng chuyên môn dẫn đến người bệnh không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở nên thường vượt tuyến. Hệ lụy là y tế tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải, còn tuyến cơ sở thì bỏ không, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò quan trọng mang tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Do đó, Đảng, Nhà nước và ngành y tế luôn quan tâm đầu tư nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu, được thể hiện rõ tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân từ y tế cơ sở, rất cần cấp có thẩm quyền và ngành chức năng trong tỉnh tận dụng triệt để nguồn lực từ chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” trong việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Song song đó, ở mỗi địa phương được đầu tư phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đề ra chương trình, nhiệm vụ cụ thể để triển khai, trọng tâm là nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu