Thứ 2, 20/05/2024 02:53:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:39, 30/11/2023 GMT+7

Hướng đi tất yếu

Lâm Phương
Thứ 5, 30/11/2023 | 04:39:24 1,751 lượt xem
BPO - Sáng nay, 30-11, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” do Bộ Tài chính phối hợp Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là diễn đàn được đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm vì mục tiêu của sự kiện là tìm ra những sáng kiến, giải pháp để thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Trọng tâm là đầu tư cho phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã và đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Hệ lụy từ những tác động nêu trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống không chỉ ở hiện tại mà cả với các thế hệ con cháu chúng ta sau này. Vì vậy, chỉ có phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số mới bảo đảm được sự tăng trưởng kinh tế và duy trì sự bền vững về môi trường. 

Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là những nhiệm vụ then chốt, được ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai nhiệm vụ tại các nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng... Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước cùng nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số được nâng cao cho thấy, kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. 

Hiện nay, các mô hình, sáng kiến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số không chỉ được lan tỏa và ứng dụng vào thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thành công mà được hầu hết doanh nghiệp hưởng ứng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo với hướng đi riêng được cộng đồng đón nhận. Phần lớn người dân đã ý thức thay đổi lối sống, lao động, sản xuất và giữ gìn sức khỏe theo hướng tích cực. Nhờ chung tay xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, khu dân cư văn minh với những tuyến đường hoa đẹp mắt; chủ động đầu tư sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ… nên đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao cả về chất và lượng.

Thực tế cũng cho thấy, trong tiến trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, con đường lựa chọn duy nhất là phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Chỉ có các mô hình kinh tế này mới tiết kiệm tối đa nguồn lực đầu tư, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và đảm bảo cho sự phát triển kinh tế lâu dài thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là phải thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi người, bởi mỗi mô hình kinh tế không chỉ đòi hỏi đầu tư bằng nguồn vốn mà còn phải đầu tư bằng cả nhận thức và tri thức. Vì vậy, từ các nhà hoạch định chiến lược cho đến người dân phải thay đổi cả về tư duy và cách làm.

Hy vọng, thông qua Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược, nhà quản lý tìm được những chính sách tài chính linh hoạt, phù hợp để huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu