Thứ 2, 20/05/2024 04:04:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:35, 22/11/2023 GMT+7

Cách đón nhận sự tôn vinh

Trần Phương
Thứ 4, 22/11/2023 | 04:35:53 1,169 lượt xem
BPO - Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay đã trôi qua, nhưng những điều đọng lại thì còn mãi.

“Sáng thứ Hai trên xe từ tỉnh Bình Dương lên, đúng ngày 20-11, radio kênh nào cũng là các bài hát về Ngày nhà giáo Việt Nam. 

Từ bài hát của bậc mầm non “Cô là mẹ còn các cháu là con, trường của cháu đây là trường mầm non”, đến bài hát về thầy cô giáo trong chiến tranh, bài hát về thầy cô giáo cõng chữ lên non… Nghe mà xúc động suốt chặng đường. Ngày nhà giáo Việt Nam được gọi là ngày hiến chương vì thế”. Đó là ấn tượng của một cán bộ nhà ở Bình Dương kể lại với đồng nghiệp ngay trong buổi tối ngày hiến chương vừa qua.

Ngày nhà giáo Việt Nam là một trong số ít ngày kỷ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của cả cộng đồng một cách rất tự nhiên. Đơn giản là bởi ai cũng từng nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường, từng nhiều lần tri ân thầy cô mình, đặc biệt mỗi bậc học đều có những tấm gương thầy cô giáo in đậm trong tâm trí mình. Và mỗi dịp hiến chương nhà giáo, bao ký ức đẹp lại ùa về…

Cuộc sống bộn bề, hối hả, ít người có thể nhớ được hết tất cả thầy cô giáo mà mình từng học. Học càng nhiều sẽ càng có nhiều thầy cô giáo và thời gian càng trôi đi càng khó có thể nhớ hết được. Thế nên, viết tên tất cả thầy cô giáo chủ nhiệm của mình đăng lên trang cá nhân và gửi lời chúc đẹp đẽ, là cách nhiều người từng làm để tri ân thầy cô của mình và thường là với thầy cô từ lớp 1 đến lớp 12. Bởi đó là khoảng thời gian tuổi học trò trong sáng, đẹp đẽ nhất, những gì in dấu trong tâm trí khó phai nhất. 

“Em xin được cảm ơn cô và chúc mừng cô nhân ngày 20-11. Mong cô dạy bảo các con 7A9 thành người tử tế, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm và có bản lĩnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống”. Đó là tin nhắn của một phụ huynh chúc mừng cô giáo của con mình, được cô giáo chia sẻ với bạn bè trong tối 20-11 vừa qua và nói rằng, đó là hạnh phúc của nhà giáo khi được trao gửi đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ…

Với thầy cô giáo và các thế hệ học sinh Bình Phước, nhiều người không thể nào quên có những lần kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, thay vì học trò tri ân thầy cô mình, thầy cô lại tổ chức trao học bổng, trao xe đạp, trao bao gạo cho học sinh nghèo thấm đẫm tình thầy trò. Niềm vui lớn nhất của thầy cô khi ấy là được nhìn thấy học trò của mình tới trường mỗi ngày, đặc biệt là học trò đồng bào dân tộc thiểu số. Học trò nghỉ học, thầy cô sẽ là người đầu tiên tìm tới nhà các em vận động đến trường, có khi phải lặn lội vào sâu trong rẫy mới tìm thấy...

Ngày hiến chương nhà giáo không phải xuất phát từ Việt Nam và cũng không chỉ Việt Nam mới có. Thế nhưng truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam đã có từ hàng ngàn đời nay, khi có một ngày cụ thể để tôn vinh, nét đẹp đó đã trở nên đặc sắc hơn và cũng ngày một hiện thực hơn, gần gũi hơn. 

Thời xưa, học trò thường chỉ có một hoặc một số rất ít thầy. Phần lớn tri thức có được là do mỗi người tự học, nhưng người thầy lại có ảnh hưởng rất lớn tới nhân phẩm, trí tuệ của học trò. Ngày nay, hiếm ai có thể nhớ được tên của tất cả thầy cô giáo từng giảng dạy mình, nhưng không vì thế mà nghề giáo giảm đi sự tôn vinh của xã hội. Và nhà giáo, cả trong khó khăn lương không đủ sống, cũng chưa bao giờ giảm đi niềm hạnh phúc khi đón nhận sự tôn vinh ấy.

Mỗi thời điểm có sự tôn vinh một khác và mỗi nhà giáo cũng có một cách đón nhận niềm hạnh phúc đó. Cũng như trong cuộc sống và nghề nào cũng vậy, mỗi người đón nhận niềm vui và cả nỗi buồn một cách khác nhau. Đó cũng là lúc bộc lộ rõ nhất bản chất họ là người như thế nào, xứng đáng được tôn trọng hơn hay ngược lại.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu