Thứ 2, 20/05/2024 03:30:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:08, 21/11/2023 GMT+7

Sẽ là bước đột phá

Hồ Ngọc
Thứ 3, 21/11/2023 | 05:08:33 1,994 lượt xem
BPO - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cả nước. Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất tổ chức thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán; 2 môn tự chọn trong các môn học, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Ngoài nội dung nêu trên, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất phương thức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính ở phạm vi toàn quốc vào năm 2030, với phương thức và hình thức thi như: Giai đoạn 2025-2030, giữ nguyên hình thức thi trên giấy, chỉ tiến hành thí điểm ở một số địa phương có điều kiện thi trắc nghiệm trên máy tính. Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu trên cả nước đều có thể chuyển sang thi các môn trắc nghiệm trên máy tính. Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.

Ngay sau khi công bố, dự thảo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận cao của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương cũng như phụ huynh, học sinh cả nước. Những ý kiến tâm huyết với ngành giáo dục đều ủng hộ và nhất trí cao với phương án thí sinh chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong các môn còn lại được học ở lớp 12… Phương án này sẽ đáp ứng chủ trương giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và toàn xã hội. Vì nếu so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm 2, số buổi thi giảm 1. 

Hơn nữa, phương án này không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Vì thí sinh phải thi 2 môn bắt buộc gồm Toán và Ngữ văn - đây là 2 môn học truyền thống gồm kiến thức cơ bản, tiêu biểu cho các môn học tự nhiên và xã hội mà học sinh cần nắm rõ. Cùng với đó, việc được tự chọn 2 môn khác sẽ tạo điều kiện cho học sinh dành nhiều thời gian để tập trung ôn thi và giảm bớt chi phí cho gia đình cũng như thời gian, công sức của các em. Bên cạnh đó, với 9 môn lựa chọn, trong quá trình học lớp 12, các thí sinh đã được kiểm tra, đánh giá toàn diện và thể hiện điểm số trong học bạ. 

Việc được tự chọn 2 môn sẽ tạo điều kiện để thí sinh theo đuổi định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở trường bản thân và theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phương án này không ảnh hưởng đến việc dạy học môn Ngoại ngữ và Lịch sử. Bởi đây là 2 môn bắt buộc trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông, qua đó định hướng đào tạo nghề, cao đẳng, đại học dựa trên năng lực, phẩm chất và mong muốn của học sinh. Chính vì vậy, bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận vẫn còn những băn khoăn.  

Có thể nói, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT nêu trên là giải pháp tối ưu và là bước đột phá của ngành giáo dục. Song, để giải tỏa những lo lắng, dư luận cho rằng, Bộ GD&ĐT phải thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo, cụ thể, toàn diện về các phương án tổ chức thi, ngân hàng đề thi phù hợp cho tất cả địa phương, vùng miền và công tác coi thi, chấm thi… Đặc biệt, phương án thi phải đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục khi xây dựng đề án về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu