Thứ 2, 20/05/2024 02:22:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:44, 20/11/2023 GMT+7

Nửa chữ cũng là thầy

Minh Luận
Thứ 2, 20/11/2023 | 04:44:00 2,091 lượt xem
BPO - Vào những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, các thế hệ học sinh đều gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những bó hoa tươi thắm đến thầy, cô giáo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công dạy dỗ mình. Đó cũng là truyền thống, đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta - đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”.

“Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Người xưa từng nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Dù học một chữ, nửa chữ, một ngày hay nửa ngày cũng phải mang ơn người đã dạy bảo mình. Trong xã hội phong kiến, vị trí người thầy luôn được đề cao “quân - sư - phụ” (trước hết là vua, đến thầy rồi mới đến cha).

Truyền thống trọng sự học của dân tộc ta đến ngày nay vẫn vậy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… Điều này cho thấy sự kính trọng của nhân dân ta đối với những người làm nghề dạy học. Thế nên, dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Mỗi thầy, cô giáo được ví như những “kỹ sư tâm hồn”, không chỉ truyền dạy cho các em kiến thức, kỹ năng, tinh thần tự học, tự tìm tòi, sáng tạo, mỗi thầy, cô giáo còn là tấm gương để học sinh noi theo, người “truyền lửa” đam mê, hướng nghiệp. Bởi vậy, ngoài kiến thức, kỹ năng sư phạm, mỗi thầy, cô giáo phải không ngừng trau dồi nhân cách, phẩm chất đạo đức, vì “sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được” - nhà giáo dục Usinxki (Nga).

Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Hơn nữa, bản chất 2 từ “nhà giáo” cũng đã là một danh hiệu rồi. Danh hiệu đó sẽ càng cao quý hơn khi nó đọng lại trong trái tim mỗi học trò và trong lòng nhân dân, để đến ngày 20-11 hằng năm, các thế hệ học trò lại tìm đến thầy, cô giáo bày tỏ lòng tri ân. Đó là hạnh phúc không thể đong đếm của người thầy, người cô.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập, cơ chế kinh tế thị trường, giáo dục đã có nhiều thay đổi, nhiều phương tiện, thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại ra đời..., nhưng tình cảm, tâm huyết và cái tâm, cái tầm của người thầy đọng trong từng trang giáo án thì không gì có thể thay thế. Cũng bởi vậy vị trí người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt đến nay vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Hằng năm, vào những ngày này, toàn xã hội lại tổ chức các hoạt động tri ân, biểu dương, khen thưởng những nhà giáo ưu tú, những người luôn tận tụy, miệt mài “gieo” chữ trên non cao, hay ngoài đảo xa; những người được ví như những người lái đò thầm lặng chở bao thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức.

“Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên”, “Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai”… Có thể thấy, ở mọi thời kỳ, vị trí người thầy vẫn luôn được đề cao, ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để truyền thống, đạo lý tốt đẹp đó vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Điều này đòi hỏi tinh thần tự thân ở mỗi người, cả ở người thầy và các thế hệ học sinh. Người thầy tốt sẽ tạo nên những học trò tốt, nhưng “trọng thầy mới được làm thầy”, phải biết nể trọng, tôn kính người đã dạy mình, chính là nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự tử tế. Chính điều này đã làm nên cốt cách, truyền thống tốt đẹp của một đất nước “ngàn năm văn hiến”.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu