Thứ 2, 20/05/2024 00:37:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:57, 17/11/2023 GMT+7

Nâng tầm vị thế đất nước

Tấn Hòa
Thứ 6, 17/11/2023 | 04:57:47 1,473 lượt xem
BPO - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa có chuyến thăm Mỹ kéo dài từ ngày 14 đến 17-11 theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước sẽ tham dự tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 cùng nhiều hoạt động song phương khác. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Việt Nam gia nhập APEC.

Được thành lập vào tháng 11-1989, APEC là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Hiện nay, APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích, hơn 59% dân số, trên 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới; đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và chiếm hơn 50% thương mại thế giới. Việt Nam tham gia APEC từ tháng 11-1998. Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy diễn đàn ngày càng liên kết và phát triển thịnh vượng. Trong quá trình tham gia diễn đàn, Việt Nam được các thành viên tín nhiệm và ủng hộ việc đảm nhiệm vai trò chủ nhà các năm APEC 2006 và 2007. Là nước chủ nhà của 2 năm APEC, Việt Nam đã tổ chức rất thành công 2 Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội (2006) và Đà Nẵng (2007). Việt Nam còn là thành viên rất tích cực và trách nhiệm đối với cộng đồng khi đề xuất nhiều sáng kiến, dự án hợp tác trên các lĩnh vực. Những dự án này đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác ngày càng toàn diện, hiệu quả hơn giữa các thành viên trong APEC. Ngoài ra, trong quá trình tham gia, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò về hoạt động điều hành, triển khai các chương trình hợp tác của diễn đàn thông qua việc đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong cơ chế vận hành của APEC.

Năm APEC 2023 có chủ đề kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người, trong đó tập trung vào 3 ưu tiên gồm, kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ cùng lãnh đạo các nước APEC thảo luận những vấn đề quan trọng đối với kinh tế thế giới và khu vực cùng nhiều định hướng phát triển khác. Với vai trò, vị thế của mình, Việt Nam sẽ phát huy tinh thần đối thoại, chung tay xây dựng và đề cao chủ nghĩa đa phương để các thành viên cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững không chỉ đối với các nước trong diễn đàn mà còn lan tỏa trên toàn thế giới. Song song với các sự kiện, hoạt động của diễn đàn, Chủ tịch nước sẽ tham dự, phát biểu và có nhiều cuộc làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit). Các hoạt động của Chủ tịch nước trên đất Mỹ không những truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hợp tác, tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững cho từng nền kinh tế và cho cả Việt Nam mà còn tiếp tục khẳng định đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng ta.

Nhìn nhận lại chặng đường mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 6 nước là đối tác chiến lược toàn diện. Kết quả này đã tạo cho Việt Nam tiềm lực, vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế, đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng của các nhà đầu tư. Là thực tiễn sinh động, minh chứng rõ nhất để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam từ các thế lực thù địch. Kết quả này đã củng cố sự tin cậy của các nước đối với Việt Nam, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu