Thứ 2, 20/05/2024 00:37:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:40, 15/11/2023 GMT+7

Cần một sự lựa chọn

Trần Phương
Thứ 4, 15/11/2023 | 04:40:37 1,636 lượt xem
BPO - Ngày 14-11, tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025. Đa số thành viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đã nhất trí. Khi kết quả được công bố, một lần nữa, ngành giáo dục lại trở thành tâm điểm chú ý của cả nước cũng như toàn xã hội.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án “2 + 2”, là thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Hai môn tự chọn là 2 môn trong chương trình lớp 12 (gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trước đó, ngày 5-10, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT tổ chức. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi 2 môn bắt buộc, 3 ý kiến chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và 1 ý kiến khác.

Bộ GD&ĐT cũng như các chuyên gia lựa chọn phương án “2+2”, được lý giải là bởi đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không mất cân bằng giữa chọn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Việt Nam vừa trải qua giai đoạn “chậm phát triển” sang “đang phát triển” và hiện trên lộ trình trở thành một nước “phát triển”. Đó là chặng đường không ngừng vận động. GD&ĐT cũng như tất cả lĩnh vực khác trong đời sống phải thường xuyên đổi mới, cải cách… Từ khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay, giáo dục phổ thông đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa đầu tiên năm 1981, lần thứ hai năm 2000 (chương trình giáo dục 2006), lần thứ ba năm 2013 (chương trình giáo dục 2018).

Có thể thấy số lần đổi mới chương trình như vậy trong gần 50 năm qua là không nhiều. Thế nhưng mỗi lần cải cách giáo dục là rất nhiều sự cải tiến, thay đổi trong đó. Chỉ riêng tốt nghiệp THPT có lẽ phần nhiều giáo viên cũng không nhớ hết cách thức, quy chế…

Không ít ý kiến dẫn ra mỗi bộ trưởng Bộ GD&ĐT là một lần đổi mới, cải tiến và cho rằng, đó là “mỗi thầy một ý”, là sự chủ quan cá nhân của người lãnh đạo. Song một cách toàn diện có thể nhìn nhận rằng đó là bởi thực tiễn cần đổi mới thì phải có một bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới…

Và chỉ riêng tốt nghiệp THPT, trong chu kỳ học 12 năm qua cũng đã có nhiều lần thay đổi cách thi, nội dung thi, sử dụng kết quả thi. Học sinh, phụ huynh và cả giáo viên THPT cũng xoay như chong chóng để thích nghi với sự đổi thay đó. Nhiều “cải tiến” này chưa đi đến chặng đường cuối cùng đã phải đổi sang “cải tiến” khác…

Những năm gần đây, học sinh thi tốt nghiệp THPT phải làm 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp, mỗi bài tổ hợp 3 môn. Như vậy, 3 năm học phổ thông học sinh phải ôn luyện 9 môn, trong đó có 3 môn quan trọng hơn 6 môn còn lại. Với công thức “2 + 2” nhiều khả năng sẽ thực hiện từ năm 2025, các em sẽ chỉ còn phải tập trung cho 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Cách thi mới sẽ ít hơn về số môn, đồng thời các em được học theo sở thích của mình nhiều hơn so với hiện nay. Có ý kiến cho rằng “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, bởi 25 năm trước thi tốt nghiệp THPT cũng 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, chỉ khác 2 môn còn lại không phải do học sinh chọn mà Bộ GD&ĐT hằng năm chọn…

Giáo dục cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống, chỉ có phương án tốt nhất chứ không có phương án hoàn hảo. Mỗi thời điểm, mỗi tình huống cần có một sự lựa chọn. Và mỗi sự lựa chọn đều có cái được, cái mất riêng, có cái hay, cái đẹp riêng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu