Thứ 2, 20/05/2024 01:32:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 14/11/2023 GMT+7

Đề xuất hợp lòng dân

Hồ Ngọc
Thứ 3, 14/11/2023 | 04:45:00 1,468 lượt xem
BPO - Chiều 31-10-2023, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội. Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) đề xuất thực hiện tăng lương tối thiểu cho người lao động từ ngày 1-7-2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương và xem xét giảm giờ làm việc bình thường cho lao động khu vực từ 48 giờ xuống 44 giờ, tiến tới còn 40 giờ mỗi tuần.

Ngay sau khi đề xuất nêu trên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo người lao động trong cả nước cũng như cộng đồng mạng. Lý do là vì, sau gần 80 năm giành độc lập và qua 37 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thế và lực của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới. Thế nhưng, giờ làm việc của người lao động khu vực tư nhân không chỉ không giảm mà còn thêm tăng lên. Cụ thể, theo Điều 105, Bộ luật Lao động năm 2019, thời giờ làm việc bình thường của người lao động được quy định: không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

Đồng thời, doanh nghiệp có quyền quy định thời gian làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời gian làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Luật cũng quy định doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan. Do đó, người lao động sẽ làm việc không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Như vậy, trung bình người lao động sẽ phải làm việc từ thứ Hai đến hết thứ Bảy hằng tuần thì đã đủ thời gian quy định mà chưa kể giờ làm thêm.

Bên cạnh thời gian làm việc bình thường không quá 48 giờ/tuần, người lao động còn có thể phải làm thêm theo Điều 60 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP với giới hạn số giờ làm thêm như sau: Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày. Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần. Thời gian làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.

Như vậy, việc đề xuất giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống 44 giờ/tuần là hợp lý để đảm bảo chất lượng, năng suất làm việc của người lao động Việt Nam là phù hợp với thực tế trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, để việc giảm giờ làm khả thi và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp thì việc tăng năng suất lao động là vấn đề then chốt. Muốn thực hiện được điều này thì Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành phố cần có giải pháp hữu hiệu trong việc phát triển thị trường nội địa, đồng thời thực hiện giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Một vấn đề nữa, để giảm giờ làm không ảnh hưởng đến tiền lương của người lao động thì việc tăng lương tối thiểu cho người lao động là rất cần thiết.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu