Thứ 2, 20/05/2024 02:22:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:19, 13/11/2023 GMT+7

Bịt kẽ hở trong phòng, chống tham nhũng

Minh Luận
Thứ 2, 13/11/2023 | 04:19:34 1,320 lượt xem
BPO - Tiếp tục “giữ lửa” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có vùng đặc biệt.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng, kẻ lộng quyền, lạm quyền nhằm trục lợi đều đã bị trả giá và thu nộp ngân sách nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng chục ngàn héc-ta đất… Nhưng cũng kéo theo một hệ lụy vô cùng đáng tiếc, bởi chỉ trong 10 năm (2012-2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có tới 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng và chắc chắn trong số đó có nhiều cán bộ, đảng viên công tác trong chính cơ quan đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không đâu xa, trước hết là trong chính cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Bởi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không đơn thuần là việc xử lý bao nhiêu tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi được bao nhiêu tài sản cho Nhà nước mà quan trọng là niềm tin của nhân dân. Với những cơ quan thực thi pháp luật, niềm tin của nhân dân càng phải được chú trọng.

 Quy định số 131 ra đời được đánh giá như tấm gương để cán bộ công tác trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán soi rọi vào, gìn giữ sự liêm chính trong Đảng. Bởi một khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát rất dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi. Đặc biệt với những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nếu để xảy ra sai phạm thì hệ lụy và sự ảnh hưởng, tác động xã hội càng nặng nề hơn. 

Với Quy định số 131, các cơ chế phòng ngừa được chỉ rõ, quyền hạn đi liền với trách nhiệm. Các nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong thanh tra, kiểm toán được liệt kê cụ thể, trách nhiệm của từng cấp, ngành cũng được chỉ rõ. Điều này sẽ góp phần tạo sự minh bạch, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, quy định cũng chỉ ra những hành vi vi phạm dù rất nhỏ mà cán bộ cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán không được vướng vào. Cụ thể, chỉ cần tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra cũng bị xếp vào hành vi tham nhũng, tiêu cực… Với những quy định này đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng phải nâng cao bản lĩnh, đề cao cảnh giác, luôn tỉnh táo trước mọi cám dỗ, không để đồng tiền làm lu mờ ý chí mà dẫn đến bao che cho tham nhũng, tiêu cực. 

Các cơ quan thường trực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ví như “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quy định số 131 sẽ giúp thanh bảo kiếm ấy ngày càng sáng và sắc bén hơn. 

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn dài, lắm cam go và nhiều thách thức; là công việc không ngừng, nghỉ của Đảng và Nhà nước ta nhằm quét sạch những cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy cơ quan công quyền, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Quy định số 131 ra đời sẽ bịt kín mọi kẽ hở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giữ sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu