Thứ 2, 20/05/2024 00:19:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:31, 09/11/2023 GMT+7

Linh hoạt thích ứng

Lâm Phương
Thứ 5, 09/11/2023 | 04:31:52 1,461 lượt xem
BPO - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 3/2023, cả nước ghi nhận 1,079 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 6,3 ngàn người so với quý 2/2023. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (từ 15-24 tuổi) ở mức cao, chiếm 7,86%.

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong ngày làm việc thứ 8 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội cũng như chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội cũng như gia tăng tệ nạn xã hội.

Trong thời gian qua, tình hình hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt,… Tình trạng này làm cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhất là những thị trường lớn, dẫn tới các DN bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất, buộc DN phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, không tăng ca,... Đây được coi là những yếu tố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế đất nước, dẫn đến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động khác cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua, đó là hầu hết người lao động mất việc là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề. Theo các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng tuyển dụng việc làm tương lai đòi hỏi ngày càng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp đối với người lao động trước bất kỳ công việc nào, do đó người lao động phải có những kỹ năng, chuyên môn tối thiểu, nhất định. Khi thị trường đòi hỏi người sử dụng lao động, người lao động phải thay đổi, hoàn thiện những hạn chế, khiếm khuyết để đáp ứng kịp yêu cầu thị trường. 

Thực tế tình hình lao động trong nước hiện nay cho thấy, nhiều người lao động chưa chú trọng việc bồi dưỡng những kỹ năng mềm, trình độ chuyên môn, thái độ làm việc, nhất là về ngoại ngữ. Đã có không ít lao động yếu kỹ năng ngoại ngữ nên dù tay nghề tốt vẫn không kết nối được với việc làm mới. Vì vậy, người lao động phải quan tâm rèn luyện kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ với vị trí việc làm… để sẵn sàng tiếp cận việc làm mới. Bản thân người lao động phải nhận thức rõ hơn về cơ chế thị trường, rủi ro mất việc làm, từ đó linh hoạt thích ứng trong môi trường làm việc mới. Thậm chí, khi mất việc phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp. 

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, dự báo tình hình lao động thất nghiệp sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải chung tay đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ DN từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách, tạo việc làm mới cho người lao động. Và muốn giải quyết cốt lõi vấn đề, bên cạnh nỗ lực, cố gắng của DN, các cấp và ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm đến việc hoạch định chính sách để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như phát triển thị trường lao động bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu