Thứ 2, 20/05/2024 02:34:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:49, 03/11/2023 GMT+7

Hình mẫu vượt khó

Tấn Hòa
Thứ 6, 03/11/2023 | 04:49:40 1,360 lượt xem
BPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có buổi tiếp Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) và Trưởng đại diện 13 tổ chức của LHQ nhân 78 năm ngày thành lập tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Tại buổi tiếp, đại diện các tổ chức của LHQ đánh giá rất cao về sự vượt khó và vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề và thường xuyên bị thiên tai hoành hành nhưng Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua để vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những năm sau ngày giải phóng miền Nam, Việt Nam đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nước ta đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phá bỏ được sự bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đưa cả nước tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước. 

Là đất nước yêu chuộng hòa bình, Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Các chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế của Đảng đề ra không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình của từng giai đoạn cụ thể, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước. Chính nhờ những quyết sách kịp thời, Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục và vượt qua những khó khăn về thị trường, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. 

Đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước trên thế giới và là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế uy tín về kinh tế, xã hội. Điều này đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế, xã hội của nước ta với nhiều kết quả rất nổi bật. Nếu như năm 1986, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 789 triệu USD thì đến năm 2022, con số này là 371,85 tỷ USD. Thu hút vốn FDI hằng năm tăng theo cấp số nhân, đã góp phần tạo ra những đột phá mới cho hoạt động kinh tế ở nước ta, đưa GDP của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 408,7 tỷ USD. Kinh tế phát triển, các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân của người dân tăng nhanh. Nếu năm 1988 chỉ ở mức 86 USD/người/năm thì 2023 con số này là 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Song song với mở cửa hội nhập kinh tế, Việt Nam kiên trì và ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của LHQ trong giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, vì lợi ích hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững trên toàn cầu. Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm để góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt, trong vai trò của mình, Việt Nam đã tích cực chung sức cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi các loại dịch, bệnh và chống biến đổi khí hậu… Chính những đóng góp tích cực này và những thành tựu to lớn sau 37 năm đổi mới đã khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Vì vậy, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Điều phối viên thường trú và Trưởng đại diện 13 tổ chức của LHQ đánh giá cao sự chủ động, năng động và đóng góp tích cực của Việt Nam. Đồng thời xem Việt Nam là hình mẫu về khắc phục hậu quả chiến tranh, chủ động ứng phó với tự nhiên để trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội và đóng góp thiết thực, cụ thể đối với hòa bình, sự ổn định của thế giới.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu