Thứ 2, 20/05/2024 03:43:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:49, 02/11/2023 GMT+7

Cần có chiến lược đột phá

Thứ 5, 02/11/2023 | 04:49:00 881 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31-10, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng: Việt Nam sẽ chỉ khác biệt và thịnh vượng trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Tuy nhiên, sau hơn nửa nhiệm kỳ nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, năng suất lao động Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên thảo luận, chất lượng nguồn nhân lực chưa có nhiều đột phá, cơ cấu ngành nghề được đào tạo chưa bám sát thực tế, thiếu nhân lực các ngành mũi nhọn, ngành kinh tế số. Còn theo đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% năng suất lao động Singapore, bằng 24,4% lao động Hàn Quốc, bằng 63,9% Thái Lan… Thậm chí, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản khoảng 60 năm, cách Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Thực tế cho thấy, hiện tỷ lệ lao động Việt Nam chưa qua đào tạo còn rất lớn, trong khi số lao động đã qua đào tạo có chất lượng thấp chiếm phần không nhỏ, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Không chỉ thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề, công nhân lành nghề mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có trình độ, năng lực cũng rất khan hiếm, nhất là chuyên gia các ngành kinh tế, kỹ thuật. Trong khi cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, nhân công giá rẻ ngày càng cho thấy không hiệu quả và được coi là “điểm trừ” đối với các nhà đầu tư khiến chúng ta mất lợi thế. Sự kém phát triển cùng với thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo xu thế phát triển hiện nay, cho dù chúng ta có đầu tư cơ sở hạ tầng toàn diện và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp về cơ chế, chính sách nhưng không có nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu; không có lực lượng lao động được đào tạo bài bản… và năng suất lao động chưa được cải thiện thì việc kêu gọi “đại bàng” về “làm tổ và đẻ trứng vàng” không đơn giản. Do đó, không chỉ ở cấp Trung ương mà ở từng địa phương cũng phải có chiến lược đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới tháo được nút thắt cho phát triển ngành nghề trọng điểm, nhất là ngành điện tử, bán dẫn.

Để Việt Nam phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số, đòi hỏi các cấp, ngành phải quan tâm thích đáng đến việc đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng. Trong quá trình triển khai cần phân tích rõ thực trạng, đề xuất giải pháp cụ thể, không thực hiện dàn trải mà tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng tâm, then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ có đột phá về phát triển nguồn nhân lực mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu