Thứ 2, 20/05/2024 03:43:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:56, 31/10/2023 GMT+7

Ngăn ngừa sai phạm từ sớm

Hồ Ngọc
Thứ 3, 31/10/2023 | 04:56:12 1,145 lượt xem
BPO - Ngày 27-10-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 4594/LĐTBXH-ATLĐ về việc đề xuất nghỉ tết Nguyên đán và lễ Quốc khánh năm 2024. Theo đó, bộ này đề xuất lịch nghỉ tết Nguyên đán là 7 ngày và nghỉ lễ Quốc khánh 4 ngày đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hai kỳ nghỉ lễ, tết nêu trên chính là cao điểm mùa du lịch nghỉ dưỡng của người dân. Vì thế, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đã và đang triển khai thực hiện các hoạt động mua bán sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”. Hoạt động này cung cấp cho khách hàng dịch vụ du lịch mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền, tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên. Hiện ở một số thành phố, các doanh nghiệp này đã xúc tiến bán sản phẩm dịch vụ với những lời mời chào và chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn,… để lôi kéo người dân.

Hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đã xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn so với mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… và khi không có nhu cầu sử dụng thì đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Tuy nhiên, khi ký hợp đồng nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ các điều khoản đã bị “cài” lợi ích đơn phương của bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng, khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Bằng chứng là thời gian qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết, như: phát sinh thêm nhiều chi phí, khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng không thể đòi lại được tiền…

Trước thực tế nêu trên, ngày 6-6-2023, Tổng cục Du lịch đã ban hành văn bản về việc tuyên truyền để người dân tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”. Đặc biệt mới đây, Bộ Công an đã có thông báo khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”. Cụ thể, nghiên cứu kỹ các điều khoản liên quan tới quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm trước khi ký kết hợp đồng.

Ngay sau khi ban hành khuyến cáo nêu trên, Bộ Công an đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận cũng như cộng đồng mạng xã hội. Trong khuyến cáo, Bộ Công an đề nghị người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, việc công bố sớm các kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày còn góp phần ngăn ngừa tội phạm từ sớm, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và cơ quan chức năng liên quan tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu