Thứ 2, 20/05/2024 02:53:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:47, 30/10/2023 GMT+7

Để kê khai tài sản không chỉ 'làm cho có'!

Thảo Linh
Thứ 2, 30/10/2023 | 04:47:00 1,243 lượt xem
BPO - Việc Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bằng hình thức cách hết tất cả chức vụ trong Đảng do vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng trong kê khai, minh bạch tài sản vừa qua cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng nhằm chấn chỉnh tình trạng kê khai, minh bạch tài sản hiện nay. Đáng nói, vi phạm của vị cán bộ này mang tính hệ thống, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng uy tín của Đảng. Và đây là trường hợp nổi cộm nhất trong số 54 trường hợp bị xử lý do không trung thực việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2023.

Từ nhiều năm qua, dẫu các cơ quan tham mưu đã nỗ lực hoàn thiện quy định về kê khai, minh bạch tài sản, nhưng chuyện kê khai hầu hết vẫn chỉ là làm cho xong đối với số đông trong diện phải kê khai. Năm 2022, cả nước có 74 trường hợp chưa thực hiện đúng quy định trên tổng số 542.337 người phải kê khai tài sản, thu nhập. Năm 2023, cả nước có 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm và 655.299 người đã công khai bản kê khai tài sản. Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện… 54 trường hợp sai quy định. Dẫu không ai mong có nhiều người vi phạm, nhưng con số 54 trường hợp phải xử lý của năm 2023 chưa phản ánh đúng thực tế và chỉ như cái kim trên mình con voi.

Đã có rất nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” về kê khai, minh bạch tài sản. Có vị khai bố mẹ để lại gần 1.000 cây vàng, trong khi bố mẹ vị cán bộ này tuổi đã cao, sống dựa vào tiền chu cấp của chính ông và họ dùng tiền chu cấp thuê người làm vài sào ruộng lấy lúa sạch ăn. Có vị có căn nhà vài chục tỷ đồng nhưng kê khai là của bố mẹ, trong khi bố mẹ đã qua đời. Lại có nơi đưa cả cây cảnh vào tài sản phải kê khai, vì có người sở hữu hàng chục cây cảnh trị giá vài tỷ đồng/cây… Và dù không nói ra, dường như ai cũng nghĩ, việc kê khai, minh bạch tài sản hiện nay ở nước ta chưa mang lại hiệu quả. Vì có vô vàn cách để lách quy định: Nào tiền, nhà, đất, xe… của ông bà, cha mẹ để lại; nào tài sản này, kia của bố mẹ vợ (chồng) cho… Có người nói: Muốn biết tài sản thật của các vị cán bộ giàu lên bất thường, hãy chờ đến khi các vị ấy vào tù! Như vụ Công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC), khi bị bắt vì tội tham nhũng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khai đã dùng phần lớn trong số 14,5 tỷ đồng tiền hối lộ của AIC cho con du học tại Mỹ. Vậy 14,5 tỷ đồng này có được kê khai trong các bản kê hằng năm? Vì sao không một cơ quan nào của tỉnh này phát hiện sự biến động số tiền rất lớn này? Hay trong vụ án Việt Á, khi trả lời cơ quan chức năng, ông Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khai đã nhận “lót tay” 2 tỷ đồng từ Việt Á. Số tiền này được chuyển 2 lần vào tài khoản của ông và 2 lần vào tài khoản của… bố vợ ông. Đến khi Việt Á bị phanh phui, thanh tra vào cuộc, ông phó giám đốc mới “báo cáo” về 2 tỷ đồng “hoa hồng” và xin nộp lại ngân sách. Có vị quan chức có 4-5 căn nhà mặt tiền phố lớn nhưng toàn lấy tên người thân, họ hàng. Vậy có cần giám sát cả tài sản, thu nhập của người thân các vị quan chức!?

Đã gần sang tháng 11, lại chuẩn bị cho một mùa kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã “sáng tạo” hình thức kê khai bằng cách bốc thăm để xác định người phải kê khai tài sản, thu nhập. Nhưng nếu không đi liền với biện pháp kiểm soát tài chính, giám sát và tiếp cận thông tin tài chính cá nhân chặt chẽ thì việc kê khai tài sản cũng chỉ là “làm cho có” mà thôi!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu