Thứ 2, 20/05/2024 01:06:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:52, 27/10/2023 GMT+7

Chống tham nhũng vẫn cam go

Thứ 6, 27/10/2023 | 04:52:00 1,188 lượt xem

Tấn Hòa

BPO - Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội khóa XV do ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN trình bày tại kỳ họp thứ 6, có rất nhiều nội dung mang tính thời sự của đất nước. Trong đó, cử tri cả nước bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng tinh vi, cho thấy cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vẫn còn nhiều cam go, phức tạp...

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã triển khai, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp, ngành cũng đã quán triệt sâu rộng đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân về phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương đã tổ chức 3 hội nghị toàn quốc về công tác này và ban hành trên 100 văn bản về tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó là hệ thống luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội; các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... đã góp phần hoàn thiện cơ chế về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cả nước có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật. Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng; hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra trong cả nước đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng. Cùng thời điểm này, cả nước đã có 13 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị bị cách chức vì để xảy ra tham nhũng.

Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật nhưng cử tri cả nước vẫn còn nhiều trăn trở về tình hình tham nhũng đang ngày càng biến tướng, tinh vi hơn và diễn biến phức tạp ở một số lĩnh vực. Không ít cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất câu kết, móc nối với doanh nghiệp, tổ chức để hình thành nhóm lợi ích nhằm trục lợi bất chính. Thậm chí, vấn nạn “giặc nội xâm” còn xảy ra ở những thành phần đang làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tại một số ngành, địa phương... Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, ngại va chạm không dám đấu tranh nên công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ chưa có chuyển biến mạnh. Những yếu tố này đã tạo ra nhiều thách thức, cam go đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian tới.

Vì vậy, ngoài thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt tiếp tục quán triệt tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận các cấp, báo chí, nhân dân. Đồng thời,  nhanh chóng khắc phục tình trạng né tránh, nể nang và đùn đẩy trong cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị; nhanh chóng hoàn thiện chính sách, cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị để vấn nạn “giặc nội xâm” không còn đất sống. Ngoài ra, phải áp dụng các chế tài để xử nghiêm, phạt nặng các hành vi, đối tượng tham nhũng, tiêu cực làm bài học răn đe, cảnh báo những trường hợp khác.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu