Thứ 2, 20/05/2024 04:29:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:34, 19/10/2023 GMT+7

Hậu quả khôn lường, nếu…

Thứ 5, 19/10/2023 | 04:34:40 1,304 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH), trong 10 tháng năm 2023, có 4.604 ổ dịch lở mồm long móng tại 8 quốc gia châu Phi và 15 quốc gia châu Á, trong đó khu vực Đông Nam Á có báo cáo tại Campuchia, Indonesia, và Thái Lan. Cũng thời gian này, có hơn 10.500 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 13 quốc gia, trong đó, khu vực lân cận với Việt Nam có báo cáo là Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia. Đối với dịch tả heo châu Phi, tính đến ngày 30-6-2023, OIE/WOAH ghi nhận khoảng 10.000 ổ dịch ở 37 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại khu vực Đông Nam Á có báo cáo từ 7 quốc gia, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.

Những con số nêu trên cho thấy tình hình dịch bệnh trên động vật tại các nước láng giềng và trong khu vực đang ở mức báo động. Trong khi đó, tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới có dấu hiệu ngày càng gia tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân trong nước rất cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện 131 vụ nhập lậu động vật và sản phẩm động vật với số lượng bị bắt giữ gần 160.000 con, tổng trọng lượng hơn 116.000kg, cao hơn nhiều so với năm 2022, trong khi năm 2021 không có phát hiện nào.

Động vật nhập lậu không chỉ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người chăn nuôi khi gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu dẫn đến các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước, làm lây lan các biến chủng vi rút ngoại nhập gây hại vào Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm do chưa có vắc xin hay các biện pháp phòng bệnh cho các bệnh, biến chủng vi rút ngoại lai, gây thiệt hại về kinh tế cho đàn gia súc, gia cầm trong nước. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng do nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh giữa động vật và người rất cao.

Thực tế cho thấy, nếu không ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả việc nhập lậu động vật qua biên giới thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia cầm, gia súc trong nước rất cao. Để bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì thế mạnh phát triển chăn nuôi trong nước, đòi hỏi các cấp và ngành chức năng phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ để ngăn chặn từ sớm, từ xa, bởi chỉ cần một vụ nhập lậu động vật mang dịch bệnh lọt vào Việt Nam thì hậu quả xảy ra sẽ không thể đong đếm được.

Báo cáo của OIE/WOAH cũng cho thấy, tình hình dịch bệnh trên động vật tại Campuchia đang ở mức báo động, trong khi Bình Phước có đường biên giới tiếp giáp  nước bạn dài 258,939km cùng nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở nên nguy cơ buôn bán, vận chuyển động vật trái phép qua biên giới rất cao. Điều này đòi hỏi phải kiểm soát kỹ, nghiêm ngặt nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vào trong nước nói chung và Bình Phước nói riêng.

Nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật trái phép qua biên giới vào Bình Phước, bên cạnh triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các cấp và ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trên khu vực biên giới về những tác động nguy hiểm do động vật nhập lậu gây ra để không tiếp tay cho hành vi buôn bán, vận chuyển động vật trái phép vào Việt Nam.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu