Thứ 2, 20/05/2024 03:21:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 16/10/2023 GMT+7

Hết đường “cứu hộ”!

Thứ 2, 16/10/2023 | 04:45:37 916 lượt xem

Thảo Linh

BPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Đáng chú ý, trong các giải pháp trọng tâm, có quy định “Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng”. Đa số nhân dân phấn khởi, bởi quy định này không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng mà còn tăng thêm điều kiện giám sát quá trình xử lý vi phạm giao thông. Và quy định này cũng khiến những người hay dựa vào các mối quan hệ thân thiết với người có trách nhiệm sau khi vi phạm phải lo lắng.

Tai nạn giao thông (TNGT) là thảm họa lớn, đe dọa sinh mạng, sức khỏe của con người và không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bị TNGT, với gia đình mà với toàn xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính từ ngày 15-12-2022 đến 14-9-2023, cả nước xảy ra 8.333 vụ TNGT, làm chết 4.763 người, bị thương 5.802 người; bình quân mỗi ngày xảy ra 31 vụ TNGT, làm 17 người chết, 22 người bị thương. Tại Bình Phước 9 tháng năm 2023, cơ quan chức năng đã xử lý gần 31 ngàn trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Qua đó, xử phạt hành chính, nộp ngân sách 101 tỷ đồng và tạm giữ trên 13 ngàn phương tiện, tước gần 9.000 giấy phép lái xe.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trong đó quy định rõ mức phạt vi phạm nồng độ cồn trong khi lái xe thì tình trạng người tham gia giao thông sử dụng bia, rượu có giảm, song vẫn còn không ít trường hợp vi phạm. Hệ lụy từ sử dụng rượu, bia quá đà đã quá rõ khi các “đệ tử Lưu Linh” mất khả năng kiểm soát, gây hậu quả khôn lường. Chỉ trong hơn 1 tháng ra quân, từ ngày 28-8 đến 30-9, cả nước có hơn 3.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ, công chức, có người giữ vị trí lãnh đạo vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Không ít người bao biện rằng, khả năng uống bia, rượu mỗi người khác nhau nên quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông là ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân. Cũng không thể thống kê hết những tác hại từ việc lạm dụng rượu, bia. Đáng lo ngại độ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa; khi một bộ phận không nhỏ giới trẻ coi việc sử dụng rượu, bia để thể hiện “cái tôi”, để khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Và không chỉ nam giới, có trường hợp nữ giới cũng là “đệ tử Lưu Linh”, gây TNGT như vụ nữ 26 tuổi, ngụ huyện Hớn Quản lái xe trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn rồi bỏ chạy khỏi hiện trường hồi tháng 9 năm ngoái. Cơ quan chức năng đã xử phạt cô này 70 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Trước khi có Nghị quyết số 149/NQ-CP, rất nhiều trường hợp, trong đó có cả cán bộ, công chức khi lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã có thái độ chống đối và gọi điện nhờ người quen mà người ta thường nói vui là “gọi cứu hộ”, gây khó khăn cho người thực thi công vụ. Hy vọng, với quy định “Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng”, không chỉ là “thanh bảo kiếm” cho cơ quan chức năng mà còn là cách để trao quyền giám sát nhiều hơn cho người dân trong xử lý vi phạm, lập lại trật tự về an toàn giao thông.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu