Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:31, 13/10/2023 GMT+7

Vượt cơn gió... ngược

Thứ 6, 13/10/2023 | 06:31:49 1,335 lượt xem

Tấn Hòa

BPO - Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận và góp ý kiến sâu sắc, toàn diện vào các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách năm 2023-2024.

Trên cơ sở phân tích cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã đối diện và vượt qua được "cơn gió ngược" trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Có thể nói, từ sau Đại hội XIII của Đảng, nước ta bước vào một giai đoạn rất đặc biệt trong bối cảnh thế giới có những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đó là bạo lực, xung đột vũ trang vẫn đang có dấu hiệu gia tăng nhiều nơi trên thế giới. Sự cạnh tranh về chính trị, kinh tế, thương mại, biến đổi khí hậu và nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực ngày càng gay gắt. Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế thế giới... Ở trong nước, toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống của nhân dân cũng bị tác động mạnh và đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình đổi mới và các chính sách linh hoạt, chủ động, phù hợp, Đảng ta đã ứng phó kịp thời với những biến động của tình hình, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh và rất mạnh mẽ; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua từng năm. Theo đó, GDP của nước ta năm 2021 đạt 8.479,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 366,1 tỷ USD thì con số này năm 2022 đã hơn 9.513,3 ngàn tỷ đồng, tương đương 408,7 tỷ USD.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nổi bật nhất là chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, đặc thù, phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023... Nhờ đó, tính riêng 9 tháng năm 2023, cả nước có 881.229 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng 26.871 đơn vị so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với các thành tựu về thu ngân sách, xuất khẩu hàng hóa đã tạo ra những bứt tốc mới cho nền kinh tế nước nhà. Điều này đã góp phần đưa GDP của nước ta trong năm 2023 ước đạt từ 10.286,8 - 10.384,6 ngàn tỷ đồng, tương đương 435,4 - 439,5 tỷ USD.

Hiện nay, bối cảnh thế giới đang có những khó khăn và thuận lợi đan xen. Với bài học kinh nghiệm quý báu từ sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, Đảng ta luôn chủ động tìm ra được những thời cơ từ trong nguy nan, tạo động lực mới cho sự phát triển. Vì vậy, để tiếp tục vượt qua những “cơn gió ngược” của thời đại, ngoài phát huy những bài học kinh nghiệm, thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí để tranh thủ thời cơ tạo ra những bứt phá mới. Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao việc tháo gỡ vướng mắc, quyết tâm thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh các hoạt động tiêu dùng; tăng cường xuất khẩu và đầu tư sản xuất để nâng cao năng lực kinh tế của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tập đoàn kinh tế tích cực phát huy tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế... tranh thủ thời cơ để nâng cao năng lực sản xuất góp phần cùng đất nước vươn ra biển lớn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu