Thứ 2, 20/05/2024 03:20:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:48, 10/10/2023 GMT+7

Quyết liệt với thông tin xấu, độc

Thứ 3, 10/10/2023 | 04:48:58 857 lượt xem

Hồ Ngọc

BPO - Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Với Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị luôn lợi dụng không gian mạng để đẩy mạnh hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Chính vì vậy, trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, là yếu tố then chốt hình thành không gian mạng an toàn, ổn định của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Xuất phát từ thực tế nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã siết chặt hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Mới đây, Bộ TT&TT đã có báo cáo trình Chính phủ về việc yêu cầu TikTok chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Cũng theo báo cáo nêu trên, từ đầu năm đến hết tháng 8-2023, các cơ quan quản lý đã ngăn chặn 7.428 web/blog vi phạm, trong đó có 2.245 website lừa đảo. Qua đó đã bảo vệ 9,6 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo. Trong những năm từ 2020-2023, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận và cảnh báo, hướng dẫn xử lý 40.629 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Riêng năm 2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 76 website chuyên phát tán, cài cắm mã độc vào máy tính, điện thoại và thiết bị di động của người dân thông qua các phần mềm bẻ khóa. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo triển khai hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia để người dân không bị lừa truy cập vào các website lừa đảo và bị lấy trộm thông tin cá nhân.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới, duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc ở mức cao (93%). Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đã tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới; đồng thời thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam. Những hoạt động nêu trên đã và đang góp phần tích cực vào việc đảm bảo an toàn, an ninh trên môi trường mạng. Tuy nhiên, để nhiệm vụ này đạt hiệu quả hơn, trước hết Bộ TT&TT cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn.

Cụ thể là Bộ TT&TT cần đẩy nhanh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ an toàn thông tin mạng. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ, triển khai mô hình bảo vệ “4 lớp” trước khi đưa vào sử dụng…

Một giải pháp hữu hiệu nữa là các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin của các cơ quan. Đặc biệt, Bộ TT&TT cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu