Thứ 2, 20/05/2024 04:04:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:02, 09/10/2023 GMT+7

Ðạo đức người thầy

Thứ 2, 09/10/2023 | 04:02:43 1,075 lượt xem

Minh Luận

BPO - Năm học mới vừa bắt đầu. Niềm tin và hy vọng của học sinh cũng như phụ huynh về một năm học mới với những hoài bão, dự định còn hân hoan, rạo rực trong mỗi người, thì đâu đó trong môi trường sư phạm lại đã xuất hiện những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Dẫu biết rằng chuyện học đường có muôn hình vạn trạng và mọi việc đều có nguyên do của nó. Tuy nhiên, hành vi và cách ứng xử thiếu chuẩn mực của thầy, cô giáo đối với học sinh liên quan đến một số vụ việc xảy ra gần đây khiến dư luận không khỏi xôn xao, bức xúc. Thậm chí nhiều người cho rằng đây là hành động không thể dung thứ.

Đó là việc một nữ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở trường THPT thuộc Thành phố Hà Nội có hành vi túm cổ áo, kéo lê học sinh trước cửa lớp mà nguyên nhân xuất phát từ việc học sinh này mua bánh sinh nhật không đúng với yêu cầu của cô giáo. Tiếp đó là việc một giáo viên nam, dạy môn Anh văn cũng ở Hà Nội mắng chửi, chỉ thẳng mặt và xưng mày - tao với học sinh... Các vụ việc đều đã và đang được xử lý. Nguyên nhân được xác định có lỗi do cả hai bên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không đơn thuần là việc phân định đúng - sai, thắng - thua giữa thầy và trò! 

Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn trọng chữ nghĩa. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”, thầy cô giáo được ví như những người đưa đò chở “đạo” qua sông. Không chỉ làm nhiệm vụ truyền dạy kiến thức đơn thuần, mỗi thầy, cô giáo còn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, người giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh ngay từ những năm tháng đầu đời. Mỗi thầy, cô giáo luôn có sự ảnh hưởng nhất định đối với học sinh. Mọi hành động, lời nói của thầy, cô giáo trước mặt học sinh đều để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí các em. Nhưng tiếc thay, đã có những thầy, cô giáo vì không kiểm soát được cảm xúc cá nhân mà có hành xử thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức nghề giáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy và niềm tin về một nền giáo dục.   

Từ bao đời nay, ở Việt Nam, dạy học luôn được đánh giá là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề cao quý thì phải có những con người cao quý. Dạy học thực sự là một nghề đặc biệt, luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng - “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Nghề dạy học luôn giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội, nơi ươm mầm tài năng, chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão dựng xây quê hương, đất nước. Sản phẩm của nghề dạy học không phải là những con số mang lại giá trị kinh tế cụ thể, mà là đào tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, người thầy phải luôn chuẩn mực về đạo đức.

Tuy nhiên, đạo đức người thầy không tự có, mà phải qua đào tạo, rèn giũa từ trong gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là những năm tháng trên giảng đường; phải gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, tri thức và tình yêu nghề, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm… Thực tiễn cho thấy, thầy giỏi, ắt sẽ có trò giỏi. Người thầy tận tâm, nhân cách tốt sẽ không chỉ đào tạo ra học sinh ngoan mà còn cảm hóa được cả những học sinh hư, cá biệt, giúp các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Vẫn biết mỗi nghề đều có những đặc thù, khó khăn riêng nhất định. Thế nhưng, với nghề giáo - nghề đào tạo con người thì lắm vinh quang nhưng cũng nhiều trọng trách. Đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải luôn là tấm gương, tự hoàn thiện mình, đáp ứng sự kỳ vọng và tin yêu của toàn xã hội, để mỗi “chuyến đò” qua đi vẫn khắc sâu trong tâm trí các em hình ảnh “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa…”.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu