Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:41, 05/10/2023 GMT+7

Kỳ vọng chính sách tiền lương mới

Thứ 5, 05/10/2023 | 04:41:39 1,321 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Trong đó, nội dung đáng chú ý được Bộ trưởng Nội vụ báo cáo các đại biểu Quốc hội là việc thực hiện chế độ tiền lương và chế độ, chính sách khác. 

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Đồng thời, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, nhất là đại dịch Covid-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên Trung ương đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới. 

Vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế đất nước tiếp tục chịu sức ép từ khủng hoảng kinh tế thế giới do tình hình chính trị - an ninh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội nhằm sớm ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, Chính phủ đã ban hành nghị quyết điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ ngày 1-7-2023. Mức tăng này đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động trước những tác động của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên qua khảo sát, phần lớn người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng chi tiêu, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu. 

Thực tế cho thấy, công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới; cơ chế, chính sách về công tác công vụ, công chức được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Tuy nhiên, công tác này hiện cũng còn không ít tồn tại, hạn chế như chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng người tài; việc thể chế hóa chủ trương tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo còn chưa rõ nét; việc đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm còn chậm, chưa đồng bộ… Song song đó, việc tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chất lượng chưa cao, chưa có nhiều đổi mới phù hợp với tiến trình cải cách công chức, công vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm. Điểm đáng lưu ý là chế độ tiền lương chưa phản ánh đúng thực chất, chưa tạo động lực để phát huy hết năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Việc Chính phủ sẽ trình Trung ương và Quốc hội thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 từ ngày 1-7-2024 là tin vui, được nhiều người kỳ vọng. Theo đó, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, như tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thực hiện cải cách chính sách tiền lương...

Kỳ vọng, khi chính sách tiền lương được cải thiện sẽ tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn tâm, toàn ý với công việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu