Thứ 2, 20/05/2024 00:37:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 04/10/2023 GMT+7

Bài toán gốc của tai nạn giao thông

Thứ 4, 04/10/2023 | 04:45:09 1,100 lượt xem

Trần Phương

BPO - Theo số liệu của cơ quan chức năng, 9 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh Bình Phước xử lý gần 31 ngàn trường hợp vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ hơn 13 ngàn phương tiện, tước gần 9 ngàn giấy phép lái xe. 

Bình Phước có 2 tuyến quốc lộ 13, 14, là địa bàn chuyển tiếp giữa khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thế nên, số liệu phương tiện bị tạm giữ, trường hợp vi phạm bị xử lý… như đã thống kê, không phải tất cả là phương tiện đăng ký tại Bình Phước, chủ xe, người vi phạm không phải đều là công dân Bình Phước. Ở chiều ngược lại, cũng có không ít phương tiện đăng ký ở Bình Phước, người Bình Phước vi phạm ở các địa phương khác. Thế nên, thống kê này nếu so sánh với số lượng phương tiện và công dân Bình Phước cũng chỉ mang tính tương đối. 

Bỏ qua tương quan tổng thể đó, 31 ngàn trường hợp vi phạm là một tỷ lệ khá lớn với một tỉnh dân số xấp xỉ 670 ngàn người trong độ tuổi 15-64 như Bình Phước (số liệu tổng điều tra dân số năm 2019). Đặc biệt, trong số các vụ vi phạm, có hơn 10.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, hơn 15.000 trường hợp vi phạm tốc độ. Đây là những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông là nỗi đau và ám ảnh của toàn xã hội. Đó là điều đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều thập kỷ qua ở nước ta. Không bom đạn, nhưng tai nạn giao thông vẫn vô cùng khốc liệt qua số người tử nạn, số người bị thương. Nhiều năm liền, số người tử vong do tai nạn giao thông trong cả nước mỗi năm bằng số dân của 1 xã có dân số trung bình như Bình Phước, khoảng 10 ngàn người. 

Sau rất nhiều nỗ lực cũng như dành nguồn lực tài chính rất lớn cho cuộc chiến trên các cung đường, sự quyết liệt như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt vi phạm giao thông nặng hơn rất nhiều, năm 2022, cả nước vẫn có 6.397 người chết và 7.804 người bị thương vì tai nạn giao thông.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông, vẫn là điệp khúc nêu lên nhiều năm qua: lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy. Bên cạnh đó là chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe, chưa quyết liệt xử lý vi phạm, hạ tầng giao thông lạc hậu, xuống cấp, thiếu đồng bộ, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao…

Nóng bỏng, trăn trở, quyết liệt, bức xúc, đau lòng… Nhiều tính từ khác tương tự nói về tai nạn giao thông, không chỉ của các cơ quan Trung ương, chính quyền các cấp, chuyên gia mà còn với toàn xã hội, len lỏi tới mọi ngóc ngách trong các quán cà phê, ám ảnh vào câu chuyện hằng ngày của mỗi gia đình.

Tự trào chua chát có thể nói rằng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông nay đã như “đặc sản”. “Đặc sản” này không chỉ lấy đi mạng người, làm suy giảm nguồn lực xã hội, mà còn đang ngày một làm xấu đi hình ảnh của đất nước Việt Nam tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Pháp luật về giao thông ở nước ta hay những chủ trương siết chặt ở các địa phương không phải không có, không phải không nghiêm. Thế nhưng, các con số về vi phạm giao thông đã cho thấy một sự thật nữa: Quy định, chủ trương thì nghiêm, nhưng xử lý vi phạm chưa nghiêm khắc. Đặc biệt, một bộ phận rất lớn người dân đang coi thường pháp luật khi tham gia giao thông. 

Cũng như mọi câu chuyện trong cuộc sống, sự không nghiêm, sự coi thường nào cũng có nguồn gốc của nó. Bài toán tai nạn giao thông cũng thế, cần được giải tận gốc.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu