Thứ 2, 20/05/2024 03:31:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:42, 03/10/2023 GMT+7

Quyết chiến với "đường lưỡi bò"

Thứ 3, 03/10/2023 | 04:42:00 974 lượt xem

Hồ Ngọc

BPO - Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “…Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân…”. Đây là những nội dung vừa mang tính kế thừa đường lối đối ngoại của Đảng ta tại các đại hội trước vừa là bước phát triển mới hết sức quan trọng, khẳng định rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng trong tình hình mới.

Đối ngoại nhân dân hay còn gọi là ngoại giao nhân dân, ngoại giao cộng đồng, ngoại giao kênh hai, là những hoạt động đối ngoại không phải của Đảng hoặc Nhà nước, mà là của người dân hay trực tiếp của các cá nhân và cộng đồng cư dân hoặc thông qua các tổ chức nhân dân. Phương châm hoạt động đối ngoại này là một trong những sáng tạo độc đáo, đặc sắc của cách mạng Việt Nam. Bằng chứng là trong nhiều thập kỷ qua, hoạt động đối ngoại nhân dân đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ riêng giai đoạn 2011-2020, các tổ chức nhân dân Việt Nam nói chung và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng có quan hệ với hơn 1.200 tổ chức và tổng trị giá viện trợ chính phủ nước ngoài đã giải ngân 2,85 tỷ USD không hoàn lại.

Chính nhờ mạng lưới đối tác rộng lớn, cũng như vai trò ngày càng được nâng cao tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, đối ngoại nhân dân ở nước ta đã mang lại những kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực và có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Cụ thể là các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp vào công tác đấu tranh dư luận trong nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, biển Đông, nguồn nước sông Mê Kông, biến đổi khí hậu... Cùng với đó, các tổ chức nhân dân và nhiều cá nhân đã tích cực phát huy vai trò, tiếng nói trong các cơ chế, diễn đàn để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với Việt Nam, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển, tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu.

Một trong những ví dụ điển hình là sự kiện cơ thủ billiards carom 3 băng số 1 Việt Nam Trần Quyết Chiến và huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa mới đây đã quyết định bỏ không tham dự giải đấu billiards tại Trung Quốc để phản đối quyết liệt hình ảnh vi phạm chủ quyền Việt Nam của ban tổ chức. Lý do là trong trận đấu giao hữu giữa cơ thủ Trần Quyết Chiến với cựu cơ thủ số 1 thế giới Dick Jaspers, ban tổ chức đã livestream và phát trực tiếp trên truyền hình lẫn các trang mạng xã hội, nhưng trong đó có nhiều đoạn chiếu chậm được gắn logo của ban tổ chức với hình ảnh bản đồ Trung Quốc bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Vì thế, ngay sau khi trận đấu vừa diễn ra, huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa và học trò Trần Quyết Chiến đã quyết định hủy bỏ thi đấu để thể hiện thái độ cứng rắn trước sự vi phạm chủ quyền quốc gia. Trần Quyết Chiến ra sân bay về nước ngay trong ngày dù sự kiện giao lưu dự kiến kéo dài 6 ngày. Với tư cách công dân Việt Nam, thầy trò cơ thủ Trần Quyết Chiến đã hành xử đúng mực và kiên quyết để thể hiện quan điểm rõ ràng về chủ quyền biển đảo quốc gia. Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Liên đoàn Billiards thế giới để nói rõ lý do Trần Quyết Chiến không thể tiếp tục ở lại thi đấu khi hình ảnh vi phạm chủ quyền Việt Nam xuất hiện ở nơi thi đấu, đồng thời đề nghị liên đoàn tôn trọng Việt Nam.

Từ ngàn đời nay, tất cả người dân Việt Nam không cho phép bất cứ thực thể nào vi phạm chủ quyền của dân tộc! Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! Và từ sự việc này, bài học đối với mỗi người dân Việt Nam đó là, quyết chiến với “đường lưỡi bò”, không thể không đẩy mạnh chiến lược đối ngoại nhân dân.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu