Thứ 2, 20/05/2024 02:03:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 02/10/2023 GMT+7

“Cởi trói” cho cán bộ sáng tạo và cống hiến

Thứ 2, 02/10/2023 | 04:45:30 965 lượt xem

Minh Luận

BPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nghị định vừa ban hành đã nhận được sự ủng hộ và lan truyền rộng rãi của dư luận xã hội. Nhiều người xem đây là “tấm khiên” bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì sự phát triển chung.

Thực tế thời gian qua cho thấy, từ khi phát động chiến dịch “đốt lò” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nhiều cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã “tra tay vào còng”, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao dù đang đương chức hoặc đã “hạ cánh”. Điều này nhận được sự ủng hộ tích cực trong nhân dân. Tuy nhiên, cũng từ sức nóng của lò đốt chống tham nhũng đã dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ không dám làm vì sợ trách nhiệm, đã đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang cho người khác hoặc bộ phận, cơ quan, đơn vị khác. Chính điều này đã dẫn đến sự trì trệ trong quản lý, điều hành, cán bộ làm việc cầm chừng, không dám đổi mới, sáng tạo… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tâm lý sợ trách nhiệm đã biến không ít cán bộ, đảng viên trở thành những người vô trách nhiệm. Một bộ phận có tư tưởng “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai” dẫn đến trì trệ trong công việc. Rất nhiều cán bộ năng động, sáng tạo nhưng không dám đột phá, thực hiện vì sợ sai. Làm sao để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là câu hỏi đặt ra cấp thiết từ thực tiễn và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ trả lời cho câu hỏi đó.

Nghị định quy định rõ đối tượng, nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; việc khuyến khích cán bộ phải được thực hiện kịp thời, công khai, dân chủ. Nghị định cũng quy định những điều cơ quan, tổ chức, cán bộ, cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách để bao che cho tham nhũng, tiêu cực…

Dám nghĩ, dám làm là sự quyết tâm, dám nghĩ cái chưa ai nghĩ, làm những cái chưa ai làm, nghĩa là cái mới, cái chưa có trong tiền lệ. Chưa có tiền lệ thì có thể đúng, hoặc chưa đúng. Ranh giới đúng - sai rất mong manh. Chính vì vậy, phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghị định ra đời đáp ứng kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Nghị định sẽ khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung. Nghị định sẽ là động lực để cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Nghị định số 73 không chỉ “mở đường” mà còn “cởi trói” cho cán bộ sáng tạo và cống hiến, bởi khi con người thoát khỏi tư tưởng bó hẹp, được khuyến khích sáng tạo thì tư duy, chất xám mới được phát huy. Tuy nhiên, khuyến khích, bảo vệ như thế nào để cán bộ không sợ sai, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo thì phụ thuộc rất nhiều vào cách làm của người đứng đầu, cũng như hạn chế việc lợi dụng chính sách này bao che cho hành vi tham nhũng, tiêu cực.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu