Thứ 2, 20/05/2024 02:22:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:13, 22/09/2023 GMT+7

Chung sức vượt... sóng cả

Thứ 6, 22/09/2023 | 04:13:40 1,239 lượt xem

Tấn Hòa

BPO - Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh về tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó” nhằm khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Tại diễn đàn, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, trong bối cảnh thế giới đang gánh chịu những tác động bởi đại dịch Covid-19 và một số diễn biến phức tạp khác nên trong năm 2022, nhiều nước có mức tăng âm. Trong khi đó, Việt Nam đã linh hoạt, chủ động nhận diện được thực trạng và dự báo kịp thời các nguy cơ để ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, với sự điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua. 

Sang năm 2023, tình hình thế giới xuất hiện những diễn biến mới, phức tạp và khó lường hơn. Xung đột vũ trang tiếp diễn ở nhiều nơi; tình hình lạm phát tại một số nền kinh tế lớn đang cao kỷ lục; nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy làm gia tăng sự suy thoái của nền kinh tế ngày càng nặng hơn ở nhiều nước… Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước do giá nguyên liệu đầu vào tăng, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp… dẫn đến tốc độ tăng trưởng, sản xuất của nước ta chậm lại. Hoạt động thu hút vốn FDI gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng; thị trường lao động gặp nhiều biến động do nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca, giải thể; xuất khẩu hàng hóa cả nước trong 8 tháng năm 2023 giảm 10% so với cùng kỳ... đã làm cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 của nước ta chỉ đạt 3,72%, đã tác động lớn đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 và giai đoạn 5 năm (2021-2025) cũng như cả thời kỳ chiến lược 2021-2030. Có thể nói, những diễn biến phức tạp về tình hình chính trị, kinh tế thế giới là những cơn “sóng cả” tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện nay. 

Để đạt mục tiêu GDP năm nay tăng 6,5% theo kịch bản Quốc hội và Chính phủ đưa ra rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp về tập trung thực hiện các giải pháp để kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu để đạt mức tăng trưởng cao nhất cho những tháng còn lại của năm 2023. Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng thì kích cầu tiêu dùng trong nước là giải pháp quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh sức mua; bởi thúc đẩy phân phối hàng hóa, mở rộng tiêu dùng nội địa sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp phục hồi và nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, kích cầu đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân còn tăng cường hoàn thiện hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, cần triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và tận dụng các cam kết trong các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Những giải pháp này không chỉ để đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta từ nay đến cuối năm 2023 đạt mức cao nhất mà còn tạo đà cho những năm tiếp theo.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu