Thứ 2, 20/05/2024 04:04:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:25, 21/09/2023 GMT+7

Thay đổi để phát triển bền vững

Thứ 5, 21/09/2023 | 04:25:03 1,346 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Trước biến động của giá phân bón thế giới, thời gian gần đây các doanh nghiệp trong nước liên tục thông báo tăng giá bán. Chỉ trong 2 tháng qua, giá phân bón đã tăng hơn 35% và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi người dân bước vào vụ sản xuất mới. Đơn cử, giữa tháng 9, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau thông báo tăng giá urê bán tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển tại miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước.

Nguyên nhân là do giá khí đốt tự nhiên (nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chiếm từ 70-90% chi phí sản xuất) tăng đột ngột dẫn đến tăng giá phân bón, buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa. Trong khi nguồn nguyên liệu này chủ yếu do Nga cung cấp, nhưng xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, nước này phải tạm dừng xuất khẩu một thời gian để đảm bảo nguồn cung trong nước, càng ảnh hưởng đến nguồn cung phân đạm toàn cầu.

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin mới nhất ảnh hưởng đến thị trường phân bón là việc Trung Quốc vừa yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân urê, trong khi nhu cầu từ Ấn Độ đang tăng mạnh khi nước này mở rộng diện tích trồng lúa gạo và mía đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung do tác động của hiện tượng El Nino. Thậm chí, tình trạng tăng giá phân bón còn kéo theo các loại phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu nông dân và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước.

Với tổng diện tích gieo trồng khoảng 460 ngàn ha, Bình Phước được xem là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Phần lớn người dân trong tỉnh đã và đang ổn định đời sống và vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc sử dụng phân bón là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế vườn cây của người dân, trong khi kinh phí mua phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, giá phân bón tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất cũng như việc duy trì và phát huy các thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương trên cả nước.

Trước thực trạng nêu trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ phân bón cho nông dân. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực đảm bảo nguồn cung từ các nhà máy ra thị trường, ngành nông nghiệp cần đưa ra những giải pháp thiết thực như sử dụng phân bón đúng quy trình kỹ thuật để tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế; tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng qua ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn trực tuyến... giúp nông dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vật tư.

Theo xu thế hiện nay, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được chú trọng. Để thích ứng tốt nhất, bản thân mỗi người nông dân phải thay đổi tư duy, chủ động và tích cực sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần hoặc hoàn toàn phân bón vô cơ trong sản xuất. Song song đó, rất cần ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Đây được coi là giải pháp quan trọng làm giảm chi phí phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp; tận dụng triệt để các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; giảm giá thành sản xuất nông nghiệp của người dân; hướng đến sản xuất xanh, sạch và bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu