Chủ nhật, 19/05/2024 20:37:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:18, 12/09/2023 GMT+7

Vô lý và bất bình đẳng

Thứ 3, 12/09/2023 | 16:18:03 656 lượt xem

Hồ Ngọc

BPO - Đó là việc hai thủ khoa toàn quốc khối A00 với 29,35 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính năm học 2023-2024.

Năm nay, ngành này có số điểm sàn cao nhất trường là 29,42 điểm. Chính vì vậy, hai thủ khoa toàn quốc là em Nguyễn Mạnh Thắng - cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang và em Nguyễn Mạnh Hùng - cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương, tỉnh Hưng Yên, đều trượt nguyện vọng 1 chuyên ngành Khoa học máy tính.

Được biết, nhiều năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội đều xét điểm chuẩn theo cách nhân đôi điểm môn chính là môn Toán. Theo đó, công thức tính điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính của trường này như sau: Điểm xét tuyển = (Toán x 2 + môn 2 + môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên. Với cách tính này, những học sinh có điểm môn Toán cao sẽ có lợi thế hơn. Do đó, mặc dù hai em Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng là thủ khoa khối A00 toàn quốc nhưng điểm Toán đều đạt 9,6, thấp hơn điểm Toán của nhiều thí sinh khác.

Bắt đầu từ năm 2023, điểm ưu tiên của trường này áp dụng đối với các thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30 được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên. Trong đó, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm; khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Theo công thức tính điểm ưu tiên của năm nay, hai thủ khoa chỉ có thêm khoảng 0,05 điểm cộng. Như vậy, với điểm số này, cả hai nam sinh cùng đâu nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật máy tính - ngành này của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 28,29 điểm.

Rõ ràng việc hai thủ khoa khối A00 rớt nguyện vọng 1 không những ảnh hưởng đến hai thủ khoa hay ngành học đó của trường mà cao hơn nữa là ảnh hưởng đến cả ngành khoa học máy tính của quốc gia. Suy cho cùng, nguyên nhân của sự vô lý và bất công này là sai sót trong việc xét điểm chuẩn của trường này. Cụ thể, việc xét điểm ưu tiên của trường không những cào bằng mà còn thiếu khoa học. Bởi vì, ngành Khoa học máy tính và ngành Kỹ thuật máy tính có tính chất công việc khác nhau nhưng lại đưa ra tiêu chí ưu tiên như nhau. Điều đó cho thấy, nguyên nhân tồn tại kẽ hở này là do những người tham gia xây dựng tiêu chí ưu tiên không phù hợp, thiếu công bằng.

Rõ ràng là việc tuyển sinh không công bằng sẽ dẫn đến một số thí sinh có lực học tốt nhưng chỉ vì không hoặc được hưởng điểm ưu tiên thấp hơn mà phải chịu thiệt. Ngược lại, những thí sinh có điểm thi thấp hơn nhưng nhờ được ưu tiên cao mà trúng tuyển. Trong khi đó, tuyển sinh đại học là vấn đề hết sức quan trọng trong hệ thống giáo dục của một quốc gia. Do đó, các trường cần có cách làm khoa học hơn để tránh sự phi lý này. Theo đó, các trường có thể tính điểm trung bình của các thí sinh khối A00, A01 sau đó đưa ra điểm chuẩn của ngành theo khối. Hoặc cũng có thể dành một tỷ lệ tuyển sinh ngành theo khối A00 - A01 là 50:50 hoặc tỷ lệ khác mà trường tự chọn theo sự ưu tiên của trường.

Từ sự việc nêu trên, dư luận xã hội rất mong Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu giải pháp phù hợp để việc đưa ra điểm chuẩn đại học từ năm 2024 trở đi không còn vô lý và bất bình đẳng như nêu trên.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu