Chủ nhật, 19/05/2024 23:32:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:56, 11/09/2023 GMT+7

Không thể ‘trốn’ vào lòng đất!

Thứ 2, 11/09/2023 | 04:56:53 602 lượt xem

Thảo Linh

BPO - Trong 2 ngày 9 và 10-9-2023, tại New Delhi (Ấn Độ), lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Nam Á. Sự kiện này diễn ra khi tháng 7 vừa qua, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết “là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất với nhiều kỷ lục bị phá vỡ”. 

Với nắng nóng như thiêu đốt trong thời gian dài kỷ lục, nhân loại đã nhận ra hậu quả khủng khiếp của việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính, khiến môi trường bị biến đổi nghiêm trọng. Có lẽ vì thế, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành vấn đề trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH. Những năm gần đây, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn. Mùa mưa bão năm 2022, miền Trung hứng chịu nhiều thiệt hại. Như đợt mưa lũ hồi tháng 10-2022 ở TP. Đà Nẵng, người dân tại đây cho biết, hàng trăm năm mới thấy một trận mưa lũ khủng khiếp đến thế và đã có người chết ngay trên đường phố - nơi từ xưa đến nay chưa từng biết lũ là gì. Trước đó, cơn lũ kinh hoàng đã quét qua thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vùi lấp, cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa của dân. Trước tình hình nghiêm trọng đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát, kịch bản BĐKH, nước biển dâng; tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và tự nhiên. 

Bình Phước ít chịu ảnh hưởng bởi BĐKH. Thế nhưng năm 2019 cũng đã chịu hậu quả do hạn hán nghiêm trọng, kéo dài. Các xã Đăng Hà, Đắk Nhau, Phú Sơn, huyện Bù Đăng hay Lộc Thành, Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh và Đồng Tâm, huyện Đồng Phú nhiều tháng mùa mưa nhưng không có mưa khiến các lòng hồ cạn trơ đáy nên nhiều vườn cây bị chết khô. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường cùng các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Gần đây nhất, ngày 5-6-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5-6), Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày đại dương thế giới (8-6) và Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22-5) năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với BĐKH; kiểm soát và giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực...

Hiện một số nhà khoa học trên thế giới đã tính đến phương án con người có thể sống dưới lòng đất để “trốn” BĐKH. Thế nhưng về mặt sinh học, sinh lý học, cơ thể con người không được “thiết kế” cho cuộc sống lâu dài dưới lòng đất. Chưa kể BĐKH cũng sẽ làm nhiệt độ trong lòng đất thay đổi và gây ra nạn lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng thì phương án “trốn” vào lòng đất là bất khả thi. Bởi thế, trong khi chờ đợi thông điệp từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, mỗi người phải tự biết cứu lấy mình bằng cách thực hiện lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu