Chủ nhật, 19/05/2024 20:37:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:42, 07/09/2023 GMT+7

Lớn hơn đánh mất thị trường

Thứ 5, 07/09/2023 | 09:42:39 1,359 lượt xem

Nam Phương

BPO - Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Vương quốc Anh và Scotland đề xuất sửa đổi quy định về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trái thanh long nhập khẩu từ Việt Nam. Hay trước đó là chuyện doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng tại Nhật Bản, Trung Quốc phản ánh thua lỗ khi nhập sầu riêng từ Việt Nam đang là những thông tin không mấy tích cực trong những ngày đầu tháng 9 này.

Việt Nam từng được cả thế giới ngưỡng mộ bởi sự phát triển thần tốc, khi từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực, đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực trong top 10 thế giới chỉ trong thời gian ngắn. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… Nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trong nhóm tỷ USD như rau quả, gạo, hạt điều, hạt tiêu… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Trong số những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất cho ngành hàng rau quả Việt Nam, có hai loại trái cây được nhắc đến ở trên là sầu riêng và thanh long. Trong đó, chỉ riêng sầu riêng đã cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu,

Chưa kịp vui vì sự tăng trưởng ngoạn mục của mặt hàng rau quả, ngành nông nghiệp và nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp chân chính đang cảm thấy lo ngay ngáy khi nguy cơ đánh mất thị trường đang hiện hữu. Mối nguy lớn hơn nữa là uy tín nông sản Việt Nam gầy dựng bao lâu nay có thể bị tổn hại nghiêm trọng.

Cần biết rằng để sầu riêng được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam mất 4 năm đàm phán. Và cần gấp rưỡi thời gian trên (6 năm) để lô nhãn tươi từ Việt Nam đến Nhật Bản. Còn để lô hàng thanh long tươi của Việt Nam sang được thị trường Úc, thời gian còn dài hơn thế nữa - mất 9 năm. Thế nhưng, bao nhiêu công sức ấy có thể bị xóa sổ chỉ trong thời gian ngắn hơn rất nhiều vì hiện tượng tranh mua tranh bán, không chú trọng đến chất lượng, thậm chí chạy theo lợi nhuận. Không ít nông dân sẵn sàng hủy hợp đồng, bán cho doanh nghiệp khác với giá cao hơn. Còn doanh nghiệp sẵn sàng thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu riêng cắt non chưa đủ ngày.

Không chỉ sầu riêng, trước đây một số nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đã từng chịu tiếng xấu vì nông dân và doanh nghiệp làm ăn gian dối, như tình trạng tiêu xuất khẩu bị trộn đất, trộn thêm lá, cọng tiêu để tăng trọng lượng. Trong khi yêu cầu đầu tiên của hàng nông sản xuất khẩu là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể hiện nay, các quốc gia nhập khẩu càng có những yêu cầu cao hơn về mặt chất lượng, với những rào cản ngày càng khắt khe. Các quốc gia cạnh tranh với nhau cũng bắt đầu từ việc giữ và nâng chất lượng sản phẩm để giữ khách hàng. Chỉ cần nhìn qua Thái Lan là rõ. 

Là một người dân Việt Nam, ai cũng có niềm tự hào khi nông sản nước mình được đi khắp muôn nơi, mang theo những câu chuyện kể về những người nông dân hồn hậu với cách làm nông nghiệp tử tế. Để phía sau những con số xuất khẩu tỷ USD là niềm tự hào về những thị trường thật sự bền vững. 

Đánh mất thị trường rõ ràng là một nỗi lo của Việt Nam - quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Nhưng nỗi lo lớn hơn chính là mất thể diện, uy tín của quốc gia. Tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng xấu cũng lan xa không kém.

Thế giới ngày càng phẳng. Đừng để hình ảnh Việt Nam trong mắt khách hàng, bạn bè quốc tế ngày càng xấu đi chỉ vì tư duy ăn xổi của một nhóm người.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu