Chủ nhật, 19/05/2024 21:09:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:36, 07/09/2023 GMT+7

Quyết liệt truy nguồn gốc tài sản bất thường

Thứ 5, 07/09/2023 | 04:36:01 597 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6-9, từ tháng 10-2022 đến tháng 7-2023, có 54 cán bộ bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm bằng nhiều hình thức: Xóa tên khỏi danh sách ứng cử, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức…

Kết quả nêu trên khẳng định, Chính phủ đang ngày càng đổi mới theo hướng liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói, bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ luôn thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. 

Thực tế, kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng. Việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập là để xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền có thể nắm được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; để thuận lợi hơn trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, bên cạnh việc xác minh bản kê khai để đánh giá tính trung thực của người kê khai, điều cốt lõi cần quan tâm là giải trình về nguồn gốc tài sản. Có những trường hợp sở hữu khối tài sản khổng lồ mà thu nhập từ công việc đang đảm nhận khó có thể có được. Với những trường hợp này, nếu không giải trình được, cơ quan kiểm tra phải xác minh, điều tra “đến nơi đến chốn”, bởi không ít trường hợp tài sản được hình thành từ hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật mà có. Minh chứng là hàng loạt quan chức đến khi hầu tòa mới lộ ra khối tài sản lớn từ việc nhận hối lộ, trục lợi. Điển hình như, liên quan đến vụ Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, mỗi người nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng. Hay vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai, sau khi nhận hối lộ 42 tỷ đồng đã mua nhiều bất động sản ở các địa phương. 

Mặt khác, việc kiểm tra, xác minh kê khai tài sản, thu nhập không được nghiêm minh, thiếu chặt chẽ cũng rất dễ bỏ sót, không phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên nhân là do tình trạng nể nang, bao che, xử lý nhẹ tay vẫn còn; nhiều cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc thực hiện nghĩa vụ này một cách công khai, minh bạch… Thậm chí không ít người có chức vụ, quyền hạn không ý thức trách nhiệm trong việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, tài sản có dấu hiệu bất thường.

Thực trạng nêu trên đòi hỏi, ngoài xử lý nghiêm minh những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; loại bỏ tình trạng nể nang, bao che; nâng cao trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, tài sản có dấu hiệu bất thường, thì giải pháp ưu tiên hàng đầu là các cấp, ngành phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý… Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước.


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu