Chủ nhật, 19/05/2024 21:51:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:46, 06/09/2023 GMT+7

Gỡ khó không chỉ năm học này

Thứ 4, 06/09/2023 | 04:46:33 624 lượt xem

Trần Phương

BPO - Hôm qua 5-9, gần 23 triệu học sinh trong cả nước chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Từ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, gần 50 năm qua, năm học nào số học sinh bước vào năm học mới cũng tăng, chưa bao giờ giảm. Đây là một thách thức rất lớn với ngành giáo dục.

Số liệu của Liên hợp quốc (https://danso.org/viet-nam/), ngày 5-9-2023, dân số Việt Nam là 99.828.215 người. Gần 23 triệu trên tổng dân số xấp xỉ 100 triệu người học phổ thông (6 đến 17 tuổi), là tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với gần như tất cả quốc gia trên thế giới. Đơn giản bởi Việt Nam hiện trong nhóm quốc gia cơ cấu dân số trẻ và có tỷ suất sinh cao nhất thế giới. Cũng vì thế, thống kê mới nhất cho thấy, giai đoạn 2015-2021, nước ta từ 19,3 tăng lên 21,8 triệu, thêm 2,5 triệu học sinh, tương đương 12,95%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học của Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới, từ năm 2010 đã đạt trên 90%.

Bên cạnh các yêu cầu chuyên môn như mọi nền giáo dục khác, ngành giáo dục Việt Nam phải chịu một áp lực rất lớn là số học sinh hằng năm đều tăng, kéo theo đó hàng loạt vấn đề khác như trường, lớp, giáo viên, đào tạo giáo viên… cũng tăng theo. Thế nhưng, đây không phải là vấn đề mới, vấn đề bất ngờ nảy sinh. Sau 3 năm trẻ ra đời sẽ phải đến trường học mầm non, sau 6 năm tới trường tiểu học… Như vậy, bao nhiêu học sinh, cần bao nhiêu trường học, bao nhiêu lớp, bao nhiêu giáo viên, đào tạo bao nhiêu sinh viên sư phạm, từng bộ môn cần bao nhiêu… là những con số chắc chắn không phải đến khi chuẩn bị cho năm học mới nhà quản lý mới nghĩ tới và cũng không khó tính toán. Từ 3 năm trước, 6 năm trước, 12 năm trước, 18 năm trước, nhà quản lý đã biết trước từng bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT cần những gì… 

Thế nhưng, bài toán đơn giản ấy, dường như ngành giáo dục cả nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng đã không giải được hoặc có đáp án chưa tốt. Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định, mỗi lớp tiểu học không quá 35 học sinh, THCS và THPT không vượt quá 45 học sinh, các nhóm trẻ và mẫu giáo tùy từng độ tuổi có quy định số lượng cụ thể, trường nào bố trí lớp quá sĩ số sẽ bị phạt hành chính… Thực tế, số lượng học sinh tại nhiều trường, nhiều địa phương, ngay cả với nhiều địa phương hệ thống trường lớp còn mới mẻ, liên tục được đầu tư xây dựng bổ sung với tỷ lệ lớn như Bình Phước, sĩ số học sinh cũng thường cao hơn 10-20% so với quy định của Bộ GD&ĐT… Có nhiều lý lẽ để lý giải cho việc năm học 2022-2023 cả nước thiếu hơn 118 ngàn giáo viên. Nhưng lý giải gì thì ai cũng thấy, ngành giáo dục và nhiều địa phương, nhiều nhà trường đã và đang “Đẽo cày giữa đường”.

Người Việt Nam tự hào có truyền thống hiếu học. Nhưng tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, số năm đi học bình quân của người Việt Nam chỉ là 9,0 năm, còn cách khá xa so với số năm đi học bình quân người Việt Nam kỳ vọng là 12,2 năm. Chưa nói tới đào tạo, bước vào năm học mới, riêng bậc giáo dục đã có khá nhiều vấn đề đặt ra đang được cả xã hội quan tâm. Rõ nhất là mối quan tâm với đề xuất của Bộ GD&ĐT về lộ trình tăng học phí mới. Hiện hữu ngay lúc này là “gánh nặng mùa thu” với phụ huynh, khi mùa thu - mùa tựu trường, cũng là thời điểm nhiều khoản nhà trường thu, cộng lại lớn hơn 1 tháng lương của phụ huynh…

Một năm học mới tiếp tục bắt đầu. Phụ huynh, giáo viên, thầy hiệu trưởng, nhà quản lý, người lãnh đạo, người công nhân, nhà báo… mỗi người một góc nhìn và nhận thấy một cấp độ khác nhau. Dẫn ra một số ngổn ngang như thế là để phụ huynh và cả xã hội cùng đồng hành với ngành giáo dục gỡ khó, là cái khó không phải chỉ của năm học 2023-2024 này, mà đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhiều thập kỷ qua.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu