Chủ nhật, 19/05/2024 20:53:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:31, 04/09/2023 GMT+7

‘Lắng nghe tâm tư người bệnh’

Thứ 2, 04/09/2023 | 16:31:24 723 lượt xem

Hồ Ngọc

BPO - Ngày 29-8-2023, Cục Quản lý khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế ban hành Công văn số 1135/KCB-QLCL&CĐT về việc xử lý thông tin báo chí và rà soát, chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế. Theo đó, gần đây có nhiều cơ quan truyền thông phản ánh một số vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện K… về tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của một vài nhân viên y tế khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành y tế.

Vì thế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế; xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Đồng thời quán triệt phương châm “Lấy người bệnh là trung tâm”, đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh với mục tiêu “Y tế trước tiên là không gây hại cho người bệnh”, hưởng ứng chủ đề Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2023 - “Lắng nghe tâm tư người bệnh”.

Vậy vì sao Cục Quản lý khám chữa bệnh phải ban hành văn bản trên? Nguyên nhân là do lâu nay, có nhiều người, kể cả nhân viên y tế cứ nghĩ rằng, y đức là những vấn đề liên quan đến yếu tố chuyên môn mà quên rằng, y đức là những việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở y tế. Đó là thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ đối với người bệnh và thân nhân họ. Nói cách khác, y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề y, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, coi sự đau đớn của người bệnh như của mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y như từ mẫu”. Và tại Điều 4 trong tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế có quy định rõ: “Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình...; phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị...”.

Thế nhưng, lâu nay tại các bệnh viện, cơ sở y tế có hoạt động khám chữa bệnh, nhiều nhân viên, y, bác sĩ ít quan tâm đến khía cạnh tiếp xúc, chia sẻ với bệnh nhân. Có không ít y, bác sĩ rất “tiết kiệm” lời, khiến người bệnh e ngại mỗi khi vào bệnh viện, nhất là những bệnh viện công. Thậm chí có nơi, việc phân biệt đối xử với từng bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân, cũng như thái độ phục vụ của nhân viên y tế có liên quan đến độ dày của từng phong bì. Lại có nơi xem nhẹ bệnh nhân có bảo hiểm mà coi trọng bệnh nhân không có bảo hiểm, xem nhẹ và thiếu tôn trọng với bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc các đối tượng nghèo, đối tượng vô gia cư.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu cơ quan chức năng của Bộ Y tế phải lên tiếng về vấn đề này. Vậy nên đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp hữu hiệu. Trước hết cần khẳng định rằng, ngày nay chủ thể tội phạm về kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà còn là các cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Chính vì cơ chế quản lý chưa phù hợp là nguyên nhân dẫn đến sai phạm của một số cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua? Và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ y, bác sĩ.

Vẫn biết, ngoài sự điều chỉnh của luật pháp, các trí thức ngành y còn có sự điều chỉnh tự giác của y đức. Vậy nên không có gì đau xót hơn khi những người lẽ ra phải là “mẹ hiền”, nhưng lại bị pháp luật xử lý và xã hội lên án.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu