Chủ nhật, 19/05/2024 22:40:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:46, 31/08/2023 GMT+7

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Thứ 5, 31/08/2023 | 04:46:04 1,628 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian qua là do diễn biến khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Lệnh cấm của Liên minh châu Âu với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; lạm phát ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; những lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn…

Tính đến 15 giờ chiều 21-8, giá xăng vượt 24.000 đồng/lít. Theo điều chỉnh của liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) và E5 RON 92 tăng lần lượt 610 đồng và 510 đồng 1 lít. Dầu hỏa tăng thêm 420 đồng, dầu mazut tăng thêm 320 đồng. Như vậy, xăng có đợt tăng giá lần thứ 5 liên tiếp, kể từ đầu tháng 7-2023 và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Thực tế cho thấy, giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn, làm ảnh hưởng xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, khó khăn nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, bởi giá xăng dầu tăng cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tăng giá cước vận chuyển, kéo theo giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng theo. Xăng dầu tăng giá còn làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất bị đội lên, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường; chi phí cho sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng vì phải dành một nguồn kinh phí không nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại…

Những dấu hiệu bất ổn đã và đang diễn ra trên thế giới càng khẳng định, thị trường xăng dầu sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, đòi hỏi ngành chức năng phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan để đề ra giải pháp cơ bản, toàn diện nhằm khắc phục vì xăng dầu là hàng hóa chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, trong các nội dung Chỉ thị số 09 đã đề ra, thì ưu tiên tiên quyết là ngành công thương phải yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng cả trong nước và nhập khẩu; thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, từ đầu mối đến thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ… Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết trong việc cung ứng xăng dầu và có chế tài xử lý cụ thể đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu không chấp hành quy định của Nhà nước về kinh doanh mặt hàng này.

Mặt khác, phải tăng cường kiểm tra chất lượng và giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính... nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Ở các địa phương, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, ngành công thương cũng phải tăng cường giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, tránh xảy ra tình trạng dừng bán không lý do, gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung cục bộ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu