Chủ nhật, 19/05/2024 20:03:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:49, 16/08/2023 GMT+7

Phải thanh tra, điều tra thôi

Thứ 4, 16/08/2023 | 04:49:59 1,250 lượt xem

Trần Phương

BPO - Thời điểm này, hầu hết các gia đình đang chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới. Khác với mọi năm, năm nay, quá trình chuẩn bị của phụ huynh trong cả nước thêm một mối bận tâm bất ngờ: Giá sách giáo khoa.

Ngày 14-8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trước đó, đầu tháng 8, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giám sát về vấn đề này. Một trong những nội dung trong báo cáo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội, đó là chi phí phát hành sách giáo khoa quá cao, chưa hợp lý. Đặc biệt, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho đơn vị đầu mối phát hành là các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục, công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục năm học 2020-2021, 2021-2022 là quá cao, như: sách giáo khoa chiết khấu 29% giá bìa, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%. Năm học 2022-2023, sách giáo khoa chiết khấu 28,5% giá bìa, sách bài tập 35%, sách giáo viên là 15%... Những thông tin này khiến hàng triệu phụ huynh trong cả nước, đặc biệt là hàng chục ngàn phụ huynh điều kiện kinh tế còn khó khăn rất bức xúc.

Chương trình “Chắp cánh ước mơ” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước 8 năm qua, hằng tháng gom góp từ 50 ngàn đồng của hàng ngàn nhà hảo tâm hỗ trợ cho bao hoàn cảnh khó khăn đến trường. Cùng với đó, hàng ngàn học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng được trao học bổng từ nhiều chương trình khác trong toàn tỉnh. Các em vì gia cảnh éo le, thiếu thốn, đứng trước nguy cơ bỏ học đã được cộng đồng chung tay giúp đỡ. Nhiều người có mức thu nhập không dư giả,  nhiều người là nhân viên, công nhân, lái xe, người làm thuê thời vụ, là người bán nước ven đường… nhưng có lòng nhân ái đã không tiếc khoản tiền ít ỏi kiếm được, kỳ trao học bổng nào cũng trích ra giúp đỡ hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.

Ngược lại với hình ảnh nhân ái đó, các nhà xuất bản, nhà phát hành sách đã lợi nhuận “khủng”, vẫn tiếp tục có mức chiết khấu ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh nghèo. Nhà xuất bản, nhà phát hành sách nào cũng có “lý do” của mình để đưa ra giá sách, đưa ra tỷ lệ chiết khấu. Nhà xuất bản nào, nhà phát hành sách nào cũng lập luận nếu không đưa ra giá sách, mức chiết khấu ấy sẽ phải bù lỗ, không phát hành được… Thế nhưng lạ một điều, năm học nào, kỳ phát hành sách nào, nhà xuất bản, nhà phát hành nào cũng đua tranh tới cùng đấu thầu được in, được phát hành sách. Nhiều nhà xuất bản, nhiều nhà phát hành còn làm đủ mọi cách để giữ lại cơ chế độc quyền xuất bản, phát hành sách giáo khoa cho riêng mình.

Không khó nhận thấy đã có kẽ hở để một nhóm trục lợi. 10-30% giá một cuốn sách, chỉ là 1.000-5.000 đồng có thể không lớn với một gia đình. Nhưng 10 cuốn với 2 bộ sách cho 2 anh em trong 12 năm học, con số không hề nhỏ. Với 23 triệu học sinh trong cả nước, con số là bao nhiêu, chắc nhiều người chưa tưởng tượng ra. Xin lấy một con số: Chỉ riêng số liệu Nhà xuất bản Giáo dục công bố, năm 2021 doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 287 tỷ đồng.

Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chiết khấu sách giáo khoa; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục, in, phát hành sách giáo khoa của các nhà xuất bản… Chắc chắn rồi. Phải thanh tra, điều tra thôi, không thể để một nhóm trục lợi, còn phụ huynh nghèo càng nghèo thêm.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu